Kinh tế biển Việt Nam trước kịch bản đại dương 'có nhiều nhựa hơn cá'

kinh tế biển Việt nAM
16:28 - 12/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo Kinh tế biển xanh được công bố ngày 12/5 cho thấy phát triển kinh tế biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam, nhưng đây cũng là thách thức của các quốc gia khi thiếu một kịch bản phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Kịch bản xanh sẽ đưa GDP Việt Nam đạt 12,9 tỷ USD vào 2025

Theo ước tính của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) sẽ có khoảng 3,5% đến 7% GDP toàn cầu bắt nguồn từ các đại dương. Tuy nhiên, hiện các đại dương trên thế giới đang bị đe dọa đáng kể bởi biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường.

Để đưa ra những đánh giá chi tiết về phát triển kinh tế biển và xây dựng các giải pháp, Tổng cục Biển - Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã thực hiện Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”.

Tại buổi lễ công bố báo cáo ngày 12/5, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, đại dương đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng như thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên không bền vững. Ước tính sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương vào năm 2050, điều này đe dọa sự phát triển bền vững và sinh kế của các hộ nông dân.

Theo bà Caitlin Wiesen, nếu áp dụng kịch bản xanh, ước tính GDP Việt Nam sẽ tăng hơn kịch bản thông thường lần lượt là 296.000 tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538.000 tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030. Thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng 8% so với kịch bản cơ sở.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam

“Điều quan trọng là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Nhất là khi ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và năng lượng tái tạo biển - đặc biệt là gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn. Điều cốt yếu là phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác”.

Cũng tại lễ công bố báo cáo, đánh giá về khả năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nêu rõ rằng, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Do đó kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển, đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Trong tình hình hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Thi, thực trạng phát triển kinh tế biển hiện nay của Việt Nam còn thiếu sự bền vững.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển”.

Khuyến nghị Việt Nam mở rộng 10.000 MW năng lượng tái tạo biển vào 2030

Nhằm đưa ra giải pháp cho định hướng phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam, TS. Jeremy Hills, Trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế “Báo cáo kinh tế biển xanh” đã đưa ra 2 kịch bản đã được xây dựng đến năm 2030.

“Những kịch bản này trước hết là kịch bản cơ sở phản ánh chính sách và chiến lược hiện có, đã được hoạch định của các cấp chính quyền Việt Nam trong từng lĩnh vực đến năm 2030 và kịch bản xanh lam nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường”, TS. Jeremy Hills nhấn mạnh.

Các kịch bản xanh lam được thiết kế dựa trên các can thiệp khả thi theo từng lĩnh vực trong chính sách, quản trị và quản lý phù hợp nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Các kịch bản xanh này cũng giúp Việt Nam gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt ra ngoài kịch bản cơ sở. Các kịch bản xanh lam mang lại lợi ích hơn và cao hơn các kịch bản cơ sở về GDP cho tất cả các ngành biển so với kịch bản cơ sở.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, với kịch bản xanh được áp dụng, tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người còn có thể vượt hơn kịch bản cơ sở. Đến năm 2025, GNI bình quân đầu người theo kịch bản cơ sở là 147 triệu đồng, trong khi kịch bản xanh lam bình quân đầu người là 230 triệu đồng.

“Tương tự, vào năm 2030, GNI trên đầu người theo kịch bản cơ sở là 163 triệu đồng, trong khi kịch bản xanh lam là 290 triệu đồng. Sự gia tăng GNI bình quân đầu người này chủ yếu phản ánh năng suất kinh tế - tính bằng GDP - đang tăng lên được thúc đẩy bởi các chính sách tăng cường trong các ngành kinh tế biển”, ông Jeremy Hills cho biết thêm.

Đưa ra khuyến nghị cụ thể cho các chính sách của Việt Nam theo các ngành để đạt được quỹ đạo kịch bản xanh, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, đối với ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản, Việt Nam cần giảm sản lượng đánh bắt xuống mức sản lượng bền vững tối đa (~ 2,7 triệu tấn/năm), thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm. Trong đó bao gồm giảm 5% mã lực tàu ven bờ mỗi năm, duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản và cải tiến quản lý để dẫn đến năng suất an toàn tăng 3,5% mỗi năm.

Đối với lĩnh vực dầu khí, báo cáo đưa ra gợi ý thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí, tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi.

Ở lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới là năng lượng tái tạo biển, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030, bao gồm gần 4.500 MW gió gần bờ (chủ yếu là ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long) và 5.500 MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung Bộ).

Về du lịch, TS. Jeremy Hills cho rằng, cần có sự thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng khách quốc tế 8 - 10%/năm và khách nội địa 5 - 6%/năm đến năm 2030, đạt 1,6 triệu giường khách du lịch với tỷ lệ lấp đầy 65% vào năm 2030, đồng thời đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch.

Bên cạnh đó, ngành vận tải hàng hải lại được khuyến nghị tăng vận tải biển lên 20,6% thị phần vào năm 2030, nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn.

Tin liên quan

Đọc tiếp