Kinh tế Philippines dễ bị tổn thương khi Fed tăng mạnh lãi suất

LÃI SUẤT Philippines
16:31 - 17/06/2022
Ngân hàng Trung ương Philippines. Ảnh: Elegal
Ngân hàng Trung ương Philippines. Ảnh: Elegal
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng mức lãi suất cho vay thêm 75 điểm cơ bản – mức tăng cao nhất từ năm 1994 trở lại đây – các nền kinh tế mới nổi như Philippines rất có thể sẽ phải chịu tác động tiêu cực từ động thái này.

Theo các nhà phân tích cả quốc tế lẫn địa phương mà The Manila Times phỏng vấn hôm 16/6, động thái nâng lãi suất tiêu chuẩn lên 1,5% - 1.75% của Fed hôm 15/6 vừa qua chắc chắn sẽ tạo ra các tác động tiêu cực lên một nền kinh tế mới nổi như Philippines. Các tác động này không những liên quan tới dự trữ ngoại hối mà còn là áp lực lên đồng peso, làm tăng nguy cơ lạm phát và thậm chí là xếp hạng tín dụng chính phủ.

Ông Michael Ricafort, nhà kinh tế trưởng tại Rizal Commercial Banking, tin rằng việc Fed tăng lãi suất tích cực hơn có thể dẫn đến khả năng kinh tế Mỹ giảm tốc, hoặc có thể là suy thoái như một hệ quả không mong muốn của nỗ lực chống lạm phát. Do Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và có liên hệ sâu rộng với các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Việc Mỹ suy thoái có thể làm chậm nền kinh tế của nhiều quốc gia khác và nhất là Philippines.

Nhà kinh tế cấp cao Nicholas Antonio Mapa của Ngân hàng ING Manila tin rằng, các tác động tiềm năng khác sẽ dần xuất hiện. Theo ông, việc tăng lãi suất mạnh có thể dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Bản thân Fed cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 1,7% trong năm 2022 và 2023, dẫn tới thu nhập thấp và thương mại toàn cầu trì trệ.

Trong khi đó theo nhận định của trợ lý phó chủ tịch, kiêm nhà kinh tế Robert Dan Roces của Security Bank Corp, ngoại hối của Philippines có thể bị ảnh hưởng và có khả năng sẽ làm đồng peso bị suy yếu.

Mặt khác, nhà kinh tế Han Teng Chua của DBS cũng đồng ý rằng, việc Fed theo đuổi chính sách diều hâu sẽ khiến đồng peso của quốc gia này ở thế yếu so với đồng USD. Như một kết quả tất yếu, nó sẽ gây áp lực lên nhập khẩu và thời điểm mà giá hàng hóa toàn cầu đang leo thang nhanh chóng.

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Shutterstock

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Shutterstock

Về phần mình, Sophia Ng, một nhà phân tích tiền tệ tại MUFG Bank, cho biết động thái tăng lãi suất của FED sẽ ảnh hưởng đến trái phiếu chính phủ và cổ phiếu bên ngoài các tác động của nó đối với đồng peso (PHP) của Philippines. Khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, lợi suất chứng khoán chính phủ chắc chắn sẽ tăng, đẩy lợi suất 10 năm vượt 7% trong năm nay. Ngoài ra, tỷ giá giữa đồng USD/ PHP hiện cũng đang có xu hướng tiến về mức 54 nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế.

Cuối cùng, các nhà phân tích tại Ngân hàng Quần đảo Philippines (BPI) lại cho rằng áp lực gia tăng lên đồng peso cuối cùng sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn. Nguyên nhân là do giá tiêu dùng có thể nhạy cảm hơn với biến động tỷ giá hối đoái, khi nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa nhập khẩu như dầu, gạo và thịt lợn.

Các nhà phân tích của BPI cũng cảnh báo rằng nếu BSP không tăng lãi suất mạnh hơn, tổng dự trữ quốc tế (GIR) của nước này có khả năng cao sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nếu kịch bản này xảy ra, dự trữ ngoại hối của Philippines sẽ sụt giảm đáng kể do ngân hàng trung ương phải bán USD để kìm hãm đà giảm giá do chênh lệch lãi suất thu hẹp.

Một hệ quả khác của nó chính là việc Philippines có thể sẽ bị hạ cấp xếp hạng tín nhiệm và một khi xếp hạng tín nhiệm của chính phủ bị hạ cấp, việc quản lý tài chính sẽ trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, các chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng nếu lượng GIR giảm đáng kể, lãi suất dài hạn có thể sẽ tăng cao hơn nữa do mối liên hệ tiêu cực giữa dự trữ USD và lợi suất 10 năm.

Bà Domini Velasquez, nhà kinh tế cấp cao tại China Banking Corp, cũng chia sẻ cùng quan điểm. Tuy nhiên, bà cho rằng chỉ cần BSP công bố các hướng dẫn cụ thể về tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ, các lo ngại của thị trường nội địa sẽ được giảm bớt. Việc BSP tiếp tục tăng lãi suất ở tốc độ vừa phải như hiện tại sẽ giúp nền kinh tế chống chịu được ở trong một hoàn cảnh được kiểm soát hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.