Lại một thứ Hai ‘đỏ lửa’ với 236 mã nằm sàn, cổ phiếu ngành điện phát sáng lẻ loi

POW PV Power
16:04 - 13/06/2022
POW, VSH phát sáng lẻ loi giữa trùng điệp các mã giảm giá sâu. Vietstock
POW, VSH phát sáng lẻ loi giữa trùng điệp các mã giảm giá sâu. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên đầu tuần với lực bán tháo trên diện rộng, VN-Index rơi 57 điểm, HNX-Index cũng mất hơn 18 điểm; 236 mã giảm hết biên độ. Cổ phiếu điện là điểm sáng hiếm hoi khi cầm cự được ở chiều tăng trong suốt phiên.

Với mức giảm sâu như trên, VN-Index lùi về mốc 1227.04, HNX-Index về 288.37 điểm còn UPCoM cũng giảm 3,2 điểm về mốc 90.46. Tổng giá trị giao dịch đạt 22.785 tỷ đồng, khối ngoại chiếm gần 3.000 tỷ đồng. Sau 1 tuần mua ròng liên tiếp, họ đã quay trở lại bán ròng gần 200 tỷ đồng. Mã bị bán mạnh nhất là FUEVFVND với 245 tỷ đồng, tiếp sau là DGC, SSI, VCB, VIC, CTG, VHM, HCM, NKG, VNM… Ngược lại, GAS, GMD, DCM, MSN, DPM, CTD, HDB, MWG, VGC, DXG… là các mã được mua nhiều.

Áp lực bán diện rộng khiến 236 giảm sàn, 587 mã giảm giá, trong khi chiều ngược lại chỉ có 110 mã tăng giá. VN30 giảm gần 65 điểm, ngoài POW còn giữ được mức tăng 1,7% thì các mã còn lại đều giảm giá sâu. BVH, CTG, GVR, PNJ, SSI, TPB, VPB giảm hết biên độ. HPG, MBB, HDB, MWG, PLX, STB, BID… đều giảm từ 5-6%.

Các nhóm trụ cột như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, xây dựng đều giảm 5-6% giá trị vốn hóa toàn nhóm. Tại nhóm ngân hàng, 2 mã giữ được sắc xanh là EIB và KLB. Nhóm chứng khoán không còn mã nào ở chiều tăng hay đứng giá. Nhóm bất động sản cũng chỉ có 2 mã đi ngược là HD8 và HU6.

Top cổ phiếu giao dịch khối lượng lớn trong phiên hôm nay. SSI

Top cổ phiếu giao dịch khối lượng lớn trong phiên hôm nay. SSI

Nhìn chung, thị trường hôm nay thể hiện rõ tâm lý bi quan của nhà đầu tư khi các cổ phiếu bị bán tháo bất chấp giá trị doanh nghiệp. Yếu tố ảnh hưởng chính là từ thị trường Mỹ khi Phố Wall vừa chứng kiến một tuần thất vọng với các chỉ số chính đồng loạt đi xuống từ 4,5 - 5% - mức giảm điểm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 1. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm 4,58%; S&P 500 giảm 5,06%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 5,6%.

Bất chấp vài phiên đầu tuần đi lên, thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng quay đầu do số liệu lạm phát tháng 5 tiếp tục ở mức cao kỷ lục. Các nhà đầu tư có vẻ như đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc Fed sẽ trở nên cứng rắn hơn trong phản ứng với lạm phát.

Còn về mặt kỹ thuật, thị trường đã có đợt hồi 3 tuần liền về vùng 1.300. Mức hồi đã đủ nên chỉ số rơi vào nhịp điều chỉnh để kiểm định lại đáy cũ. Với tình hình hiện tại, VN-Index có thể sẽ rớt về đáy cũ 1.150 điểm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 để tạo thành một đáy lớn. Sắp tới là đợt công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022, sẽ là lực hỗ trợ giữ giá cổ phiếu. Tuy vậy, dòng tiền yếu nên chưa thể biết trước có đủ khả năng đỡ thị trường không.

Điều gì giúp cổ phiếu điện phát sáng?

Ngày thứ Hai "đen tối" không phải dành cho tất cả các nhà đầu tư. Hôm nay, những nhà đầu tư nắm giữ dòng cổ phiếu điện có thể thở phào nhẹ nhõm khi tài sản của mình không bị bay theo lực cuốn của thị trường. Ngoài POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER) thì VSH của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cũng tăng 3%, NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 tăng 3%, ISH của CTCP Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO tăng gần 14%, KHP của CTCP Điện lực Khánh Hòa tăng 2,3%... Các cổ phiếu điện ở chiều giảm hôm nay cũng chỉ điều chỉnh nhẹ.

Theo VNDirect, trong quý 1/2022, tổng sản lượng điện tăng 7,8% so với cùng kỳ lên 63,03 tỷ kWh, do hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi hậu Covid. Sản lượng điện khí đạt 7,5 tỷ kWh (+1,6% so với cùng kỳ), đóng góp 12% tổng sản lượng, cải thiện 3,5 điểm % từ mức khiêm tốn nửa cuối 2021. Thủy điện ghi nhận sản lượng tăng 18,9% so với cùng kỳ lên 16,48 tỷ kWh nhờ pha La Nina kéo dài. Sản lượng điện than giảm 4,6% so với cùng kỳ do tình trạng thiếu than. Sản lượng điện năng lượng tái tạo tăng 28,4% so với cùng kỳ lên 10,01 tỷ kWh nhờ nguồn điện gió 3.980MW đi vào vận hành từ tháng 11/2021.

Sau 4 bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đã có những thay đổi lớn trong cơ cấu phát triển nguồn điện. Đặc biệt, bản sửa đổi mới nhất nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch mạnh mẽ để đáp ứng cam kết “net zero” của Việt Nam. VNDirect kỳ vọng vào sự gia tăng đáng kể của điện năng lượng tái tạo trong dài hạn và ưa thích các công ty có dự án đang triển khai.

Nhu cầu tiêu thụ điện kỳ vọng đạt tăng trưởng kép 8,9% trong giai đoạn 2022-2030. Đơn vị: tỷ kWh
Nhu cầu tiêu thụ điện kỳ vọng đạt tăng trưởng kép 8,9% trong giai đoạn 2022-2030.
Đơn vị: tỷ kWh

VNDirect kỳ vọng sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại trong 2022 từ mức nền thấp 2021, nhờ sự nhu cầu điện phục hồi mạnh mẽ, đồng thời đánh giá POW và NT2 sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Việc thiếu than chỉ là rủi ro ngắn hạn, do đó sản lượng điện than cũng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi và giá bán trung bình cao hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh.

VNDirect cũng cho rằng 2022 sẽ là một năm tiếp tục tích cực của thủy điện nhờ pha La Nina sẽ kéo dài đến hết năm. Tuy nhiên cần thận trọng về tốc độ tăng trưởng của năng lượng này sau khi đã tăng mạnh trong năm 2021. Do đó, công ty chứng khoán đánh giá REE là ứng viên nặng ký với danh mục thủy điện dày đặc và có dự án thủy điện mới đi vào hoạt động.

Rủi ro giảm giá bao gồm: Tiêu thụ điện phục hồi chậm hơn dự đoán, tình trạng giá nhiên liệu đầu vào áp lực lên các nhà máy nhiệt điện, điều kiện thời tiết thủy điện có thể thay đổi trong dự báo tiếp theo.

Tin liên quan

Đọc tiếp