Làm nông nghiệp hữu cơ: Chỉ lo nông dân bán đất bất cứ lúc nào

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
11:14 - 07/11/2021
Diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng
Diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng
0:00 / 0:00
0:00
Đây là trăn trở của CEO Phạm Phương Thảo tại buổi Talk Show “Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm hữu cơ – nụ cười và nước mắt” do Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT) tổ chức tối 06/11.

Kể từ sau khi Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 02/11/2020, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng hữu cơ cũng tăng theo, nhất là rau xanh.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có nhiều bất cập, những tiếng kêu than từ nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp kinh doanh hữu cơ từ câu chuyện khó tiêu thụ hàng hóa, đến những rào cản về mặt sản xuất, chăm sóc loại sản phẩm đặc trưng này.

Gần đây, tại Tọa đàm trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ NN PTNT Lê Minh Hoan cũng đã đưa ra định hướng cho nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ tới.

Ảnh tác giả

“Việt Nam phải theo xu thế tiêu dùng “xanh” của thế giới hiện nay. Đó là vấn đề bảo vệ môi trường, cân bằng carbon, hạn chế thuốc trừ sâu…. Không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chất lượng mà Việt Nam phải nêu được hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam, định vị được nông sản Việt Nam phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Bộ NN PTNT Lê Minh Hoan

Trích lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan về trăn trở xây dựng nền nông nghiệp “xanh”, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho rằng, việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ đối với Việt Nam là rất quan trọng và là mục tiêu hướng tới của nền nông nghiệp Việt Nam - một nền nông nghiệp sinh thái.

“Chúng ta vẫn đang phải đi cửa ngách xuất khẩu nông sản sang EU. Trong khi EU đang rất khuyến khích nhập thực phẩm hữu cơ nhưng thực chất Việt Nam đang thiếu thực phẩm hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu này”, bà Minh nói.

Còn nhiều trăn trở trong việc duy trì nền nông nghiệp hữu cơ

Trả lời câu hỏi trực tiếp của MEKONG ASEAN tại Talk Show, CEO chuỗi cung ứng sản phẩm hữu cơ Organica, bà Nguyễn Phương Thảo – người có 8 năm kinh nghiệm trong tổ chức chuỗi sản xuất, thương mại thực phẩm hữu cơ đã chia sẻ những khó khăn đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.

Theo bà Thảo, có rất nhiều vấn đề khó khăn cần lo lắng khi xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hữu cơ, từ hạt giống, quy trình, nhân công đến phát triển sản phẩm…. Những khó khăn này thường xảy ra giữa mối quan hệ của doanh nghiệp và nông dân, phải làm sao cân bằng để đảm bảo phát triển bền vững được.

Ảnh tác giả

“Người nông dân có thể vì giá đất lên cao mà bán đất bất cứ lúc nào cũng là nỗi lo lắng đối với việc duy trì nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng thật sự đáng lo lắng”,

CEO Phạm Phương Thảo

Khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, CEO Organica cho biết, rất nhiều người còn chưa biết sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là như thế nào và có những hoài nghi về những chứng nhận, kiểm định sản phẩm. Hơn nữa giá các mặt hàng nông sản hữu cơ vốn đắt hơn giá các mặt hàng nông sản bình thường trên thị trường cũng là cái khó của đầu ra đối với những sản phẩm này.

Bên cạnh đó, thực phẩm hữu cơ cũng đặc biệt coi trọng việc truy xuất nguồn gốc. Bằng việc tạo ra một tiến trình hoàn chỉnh giúp minh bạch mọi thông tin, quy trình sản xuất, loại giống, phân bón, quá trình sơ chế, bảo quản… đối với sản phẩm. Dựa vào sổ nhật ký canh tác với cả hai hình thức là sổ ghi chép và sổ điện tử để theo dõi từng lô, từng luống gieo trồng.

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn của việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ cũng từng được Thứ trưởng Bộ NN PTNT Trần Thanh Nam đề cập đến tại Hội thảo thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 26/10/2020.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng việc quản lý sản xuất hữu cơ rất quan trọng để đảm bảo các sản phẩm được gắn mác hữu cơ đều thực sự là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ.

Ảnh tác giả

"Cần phải đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ cấp bộ đến các địa phương. Bên cạnh đó là đào tạo tập huấn cho doangh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ",

Thứ trưởng Bộ NN PTNT Trần Thanh Nam

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhấn mạnh, sản xuất hữu cơ chỉ là một trong những phương thức sản xuất của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp hữu cơ không thể thay thế các phương thức sản xuất khác trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương cần được thực hiện một cách cẩn trọng hơn.

Các địa phương cần xác định rõ vùng nào có thể sản xuất hữu cơ, vùng nào vẫn duy trì phương thức sản xuất phi hữu cơ. Về sản phẩm, cần phải xác định những sản phẩm nào sẽ là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nào đi theo hướng theo hữu cơ, sản phẩm nào vẫn duy trình canh tác truyền thống.

Ngày 02/11/2020, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và được phê duyệt bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đề án nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp