Lạm phát khu vực đồng Euro chạm mức kỷ lục mới 9,1%

LẠM PHÁT CHÂU ÂU
11:52 - 01/09/2022
Lạm phát khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục liên tiếp lần thứ 9 là 9,1%. Ảnh: Getty Images
Lạm phát khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục liên tiếp lần thứ 9 là 9,1%. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Do giá cả tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm, số liệu mới nhất từ văn phòng thống kê Eurostat của châu Âu cho biết, lạm phát khu vực này lại một lần nữa đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 8 là 9,1%.

Với con số này, tỷ lệ lạm phát tháng 8 tại châu Âu chính thức phá kỷ lục cao thứ 9 liên tiếp về mức tăng giá tiêu dùng từ tháng 11/2021. Số liệu chính thức cho biết lạm phát mạnh ở khu vực đồng Euro đạt 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 và tiếp tục tăng lên 9,1% vào tháng 8.

So sánh với cuộc thăm dò các nhà kinh tế của Reuters, tỷ lệ này cao hơn kỳ vọng ở ngưỡng 9% trong tháng 8/2022.

Về từng thành viên trong khối, CNBC cho biết tỷ lệ lạm phát tại Pháp giảm xuống 6,5% trong tháng 8 từ mức 6,8% của tháng 7 theo số liệu mới nhất được công bố ngày 31/8. Tỷ lệ này thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát với mức giảm 6,7%.

Thêm vào đó, Tây Ban Nha cũng công bố số liệu lạm phát chậm lại trong tháng 8 ở mức 10,4% so với mức 10,8% của tháng 7 theo số liệu sơ bộ từ Viện Thống kê Quốc gia. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất của khu vực là Đức lại đã chứng kiến lạm phát đạt mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ ở mức 8,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh lạm phát liên tục đạt kỷ lục mới, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đang chuẩn bị một đợt tăng lãi suất lớn khác trong tháng 9 sắp tới. Trước đó hôm 21/7, cơ quan này đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên ngưỡng 0 - lần tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm. Theo dự đoán của các chuyên gia, đợt tăng lãi suất vào 8/9 tới có khả năng sẽ tương tự như thế này hoặc thậm chí còn lớn hơn.

Ông Peter Schaffrik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhận định một số thành viên trong khối có xu hướng ủng hộ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Bất chấp hệ quả suy thoái kinh tế mà các chuyên gia gần như chắc chắn sẽ xảy ra, ông Peter khẳng định các ngân hàng trung ương sẽ không từ bỏ con đường của mình.

Trưởng bộ phận kinh tế của S&P Global Market Intelligence Kenneth Wattret cũng khẳng định triển vọng nền kinh tế châu Âu là “khá ảm đạm” và khu vực này có vẻ không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái. Do đó, câu hỏi hiện tại là cuộc suy thoái sẽ nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài trong bao lâu. Theo ông, ECB có “một số việc phải làm”. Trên thực tế, ông cho biết ECB đang ở phía sau đường cong khi lạm phát tăng cao một cách đặc biệt và có khả năng sẽ duy trì như vậy trong ít nhất 7 tháng tới.

Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố hôm 30/8 rằng lạm phát là trọng tâm chính của các quốc gia châu Âu trong ngắn hạn. Thách thức quan trọng mà tất cả các quốc gia trong khu vực phải đối mặt trong những tuần tới và những tháng tiếp theo chính là giảm mức độ lạm phát ở khắp mọi nơi trên châu Âu.

Vì vậy, ông nhận định việc đưa ra các quyết định đúng đắn là tùy thuộc vào ECB và các thành viên hoàn toàn tin tưởng ECB sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là phải giảm mức độ lạm phát ở mọi nơi ở châu Âu.

Đọc tiếp