Lạm phát kỷ lục trong khu vực đồng Euro chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

LẠM PHÁT CHÂU ÂU
16:20 - 03/08/2022
Lạm phát tại một số nước châu Âu thậm chí đã chạm ngưỡng 2 chữ số. Ảnh: Canva
Lạm phát tại một số nước châu Âu thậm chí đã chạm ngưỡng 2 chữ số. Ảnh: Canva
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, lạm phát trong khu vực đồng Euro đang tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục và chính thức chạm ngưỡng 8,9% trong tháng 7.

Theo Euronews, con số này đã tăng từ mức 7,4% của tháng 4 và lần lượt chạm vào các kỷ lục mới như 8,1% vào tháng 5 và 8,6% vào tháng 6. Giá lương thực và năng lượng vốn đang trên đà tăng sau đại dịch Covid-19 lại càng tăng mạnh hơn nữa sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ 24/2.

Ước tính sơ bộ từ Eurostat - văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu – hôm 29/7 cho thấy con số của tháng 7 là mức cao nhất kể từ khi việc lưu trữ hồ sơ cho khu vực đồng euro bắt đầu vào năm 1997. Tiếp theo là thực phẩm, rượu và thuốc lá khi đạt mức lạm phát 9,8% so với 8,9% trong tháng 6, hàng công nghiệp phi năng lượng đạt 4,5% so với 4,3% trong tháng 6 và dịch vụ chạm ngưỡng 3,7% so với 3,4% trong tháng 6.

Trong báo cáo tháng 7, lạm phát của Đức đã tăng lên 8,5%, sau khi giảm một chút vào tháng trước. Lạm phát của Pháp hiện ở mức 6,8% và của Ý là 8,4%. Trong khi đó, các nước vùng Baltic vẫn bị ảnh hưởng đặc biệt với Estonia đang bị lạm phát 22,7%, Lithuania 20,8% và Latvia 21%.

Một dấu hiệu đáng mừng nhỏ nhoi chính là tỷ lệ lạm phát giá năng lượng đã giảm xuống ngưỡng 39.7% so với mức 42% của tháng 6 trước đó.

Hiện mọi ngóc ngách của châu Âu đều đang phải đối mặt với giá cả tăng cao khi sự phục hồi kinh tế dự kiến của châu Âu từ đại dịch Covid-19 đang bị cản trở bởi một số yếu tố. Trong khi đó bên ngoài EU, tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh đã tăng lên 9,4% - tỷ lệ hàng năm cao nhất kể từ năm 1982. Nga cũng đang đối mặt với lạm phát ở ngưỡng 15,9% nhưng đã giảm so với con số 17,1% của tháng 5 trước đó.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng buộc phải nối bước các đối tác khác trên thế giới và tăng lãi suất hôm 21/7. Đây cũng là lần tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm của tổ chức này và nó đặt ra các nghi vấn mới về việc liệu biện pháp này có khiến các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái hay không.

Mặt khác, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt và các nước phương Tây trả đũa bằng các lệnh cấm vận kinh tế, châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng vọt. Giá của nhiều mặt hàng - quan trọng bao gồm cả thực phẩm - cũng đã tăng kể từ khi các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 lần đầu tiên được áp dụng cách đây 2 năm.

Thêm vào đó, xung đột chỉ góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách tạo nên nhiều lo ngại rằng nguồn cung dầu, khí đốt tự nhiên hay lương thực từ Nga và Ukraine sẽ bị gián đoạn. Nguyên nhân là do Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của châu Âu. Đồng thời, nước này cùng Ukraine chiếm gần 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu, 2/3 xuất khẩu dầu hướng dương dùng để nấu ăn của thế giới trong khi Ukraine cũng là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới.

Đọc tiếp