Lạm phát tăng cao, lợi nhuận Vinamilk xuống mức thấp nhất 5 năm

VINAMILK DOANH NGHIỆP
19:36 - 31/07/2022
Lạm phát tăng cao, lợi nhuận Vinamilk xuống mức thấp nhất 5 năm
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk giảm 26% xuống còn 2.089 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây trước áp lực lạm phát cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm đáng kể.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) mới công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần đạt 14.930 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, trong khi giá vốn bán hàng gần như không đổi, ở mức 8.854 tỷ đồng do đó lợi nhuận gộp của VNM đạt 6.076 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 43,6% xuống 40,7%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của VNM tăng 16,7% lên mức 342 tỷ đồng. Song, chi phí tài chính cũng tăng gấp 3,2 lần lên 135 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 4% lên 3.316 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3% xuống 377 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 26% xuống còn 2.089 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Lý giải về con số lợi nhuận giảm mạnh, Vinamilk cho biết lạm phát tăng cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm, giá trị tiêu thụ toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh giảm 2% trong 5 tháng đầu năm. Trong khi, cạnh tranh ngày càng lớn do có nhiều công ty mới gia nhập thị trường sữa.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu vẫn tương đương cùng kỳ nhưng hoạt xuất khẩu trực tiếp suy giảm do sức mua thị trường nước ngoài giảm trong ngắn hạn và giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao. Ngược lại, hoạt động các chi nhánh ở nước ngoài như Driftwood và Anglormilk tăng 22% so với cùng kỳ nhờ ít bị ảnh hưởng của chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng ổn định hơn.

Vinamilk cũng cho biết, doanh thu tài chính tăng 17% lên 342 tỷ đồng do số dư tiền gửi ngân hàng tăng mạnh. Tuy nhiên chi phí tài chính cũng cao gấp 3,2 lần lên 135 tỷ đồng do tăng lỗ tỷ giá và chi phí tài chính khác.

Các chi phí bán hàng tăng 4% lên 3.316 tỷ đồng và chi phí quản lý giảm 3% xuống 377 tỷ đồng. Vinamilk lý giải do tăng chi phí vận chuyển gia tăng và tăng chi phí bán hàng để hỗ trợ sức mua.

Vinamilk cũng lý giải biên lợi nhuận xuống mức thấp 40,7% do nền giá nguyên vật liệu vẫn cao hơn cùng kỳ, nhưng đã bắt đầu hồi phục so với quý liền trước. Điều này nhờ tiêu thụ sữa trong mùa hè cao hơn quý đầu năm, giá bán được điều chỉnh và biên lợi nhuận gộp dòng sữa tươi 100% cải thiện.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, quy mô tổng tài sản có xu hướng nhích nhẹ so với đầu năm lên 53.842 tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp có lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lên đến 23.843 tỷ đồng, chiếm 44% tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho có xu hướng tăng nhẹ so với đầu năm.

Doanh thu thuần đi ngang ở mức 28.808 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 20% xuống 4.386 tỷ đồng. Theo đó, Vinamilk đã thực hiện được 45% tiến độ doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Tại Việt Nam, không riêng Vinamilk, hầu hết doanh nghiệp sữa đều đang "oằn mình" chịu sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng với lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm. TH True Milk, Nutifood, VPMilk cũng không nằm ngoài bối cảnh trên. Do đó, hầu hết hãng sữa đều đã điều chỉnh giá bán ra trên thị trường.

Nhưng theo các chuyên gia, tỷ lệ này tăng giá này khá thấp so với nguyên liệu đầu vào. Do đó, lợi nhuận ngành sữa năm nay được các công ty chứng khoán nhận định là thấp hơn so với các năm trước đó.

Với Vinamilk, trong báo cáo phát hành vào đầu tháng 6/2022, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, triển vọng tăng trưởng năm 2022 của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng do sức mua của người tiêu dùng giảm, cùng với đà tăng trưởng chững lại của mảng sữa đặc và sữa công thức.

Ngoài ra, mảng kinh doanh sữa đặc chịu tác động bất lợi từ cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm có nguồn gốc Malaysia trong quý I/2022, tình hình cạnh tranh này sẽ còn kéo dài và gây khó khăn cho VNM trong 2 năm tới.

Bên cạnh đó, theo VCSC, mảng kinh doanh sữa công thức của VNM cũng gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn như NutiFood và VitaDairy liên tục tung ra các sản phẩm mới.

Mặc dù gần đây giá nguyên liệu đã giảm nhưng vẫn cao so với năm 2021 do đó, VCSC dự báo giá sữa sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm do gián đoạn nguồn cung cấp phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng như áp lực lạm phát bắt nguồn từ xung đột Nga – Ukraine.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM chốt phiên 29/7 tại mức giá 72.800 đồng/cổ phiếu, tăng 20% so với mức đáy mới được ghi nhận vào giữa tháng 6/2022. Tuy nhiên, so với đầu năm 2022 lại giảm 11%.

Tuy nhiên, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng lựa chọn cổ phiếu VNM là 1 trong 5 cổ phiếu đáng quan tâm nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn hiện nay dựa trên kỳ vọng Vinamilk sẽ hưởng lợi khi mặt bằng giá cả hàng hóa bước vào giai đoạn ổn định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.