'Lạm phát thu nhỏ' ảnh hưởng đến bữa sáng của người Philippines

LẠM PHÁT Philippines
16:45 - 24/07/2022
Thay vì tăng giá, chiếc bánh pandesal (trái) được làm nhỏ hơn so với bánh pandesal kích cỡ bình thường (phải). Ảnh: AFP
Thay vì tăng giá, chiếc bánh pandesal (trái) được làm nhỏ hơn so với bánh pandesal kích cỡ bình thường (phải). Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đẩy giá lúa mì và giá dầu nhập khẩu lên cao, còn đồng Peso yếu hơn, nhiều nhà sản xuất bánh Philippines đang thu nhỏ kích thước của bánh pandesal - đồ ăn sáng phổ biến của người dân, để đối phó với lạm phát. 

Bánh pandesal mềm và hơi ngọt, loại bánh mà người Philippines thường ăn với cà phê hoặc với pho mát, từng nặng tới 35g tại Matimyas Bakery, một cửa hàng bánh ở ngoại ô Manila. Tuy nhiên, khi chi phí nguyên liệu địa phương và nhập khẩu tăng cao trong những tháng gần đây, đồng chủ sở hữu cửa hàng, bà Jam Mauleon đã phải làm giảm kích thước chiếc bánh này.

Bánh pandesal là món bánh phổ biến trong bữa sáng của nhiều người Philippines. Ảnh: AFP

Bánh pandesal là món bánh phổ biến trong bữa sáng của nhiều người Philippines. Ảnh: AFP

Theo đó, những chiếc bánh pandesal - hay còn gọi là "bánh mì của người nghèo" tại cửa hàng này chỉ còn khoảng 25g, thay vì tăng giá lên 2,5 Peso (0,04 USD). Bà cho biết, nếu giá chiếc bánh này chỉ cần tăng nhẹ cũng sẽ khiến những vị khách hàng thiếu tiền trong khu phố đến một cửa hàng bánh đối thủ gần đó.

"Chúng tôi phải tính đến chuyện cắt giảm kích thước chiếc bánh để tồn tại thôi", bà Mauleon nói với AFP. Đồng thời, bà nói thêm rằng, trẻ em, công nhân và người về hưu thường là những vị khách đến sớm nhất để mua những chiếc bánh pandesal mới ra lò.

Chủ cửa hàng này chia sẻ rằng, khi chính phủ Philippines dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 và học sinh bắt đầu quay trở lại lớp học trong năm nay, bà đã hy vọng kinh tế sẽ khởi sắc và công việc kinh doanh tại cửa hàng bánh sẽ cải thiện.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12 năm ngoái, giá lúa mì và nhiên liệu đã tăng dần. Đặc biệt, giá bột mì đã tăng hơn 30%, trong khi đường tăng 25% và giá muối cao hơn 40%. Trong khi đó, cửa hàng của bà Mauleon đối mặt với tình cảnh bán bánh ra thị trường, nhưng không hòa vốn để tiếp tục mua nguyên liệu, ngay cả khi đã phải giảm số lượng nhân viên. Cuối cùng, bà chủ này đã buộc phải tăng giá bánh pandesal lên 20%, tương ứng 3 Peso (0,053 USD) trong tuần này.

Dù vậy, bà cũng nhận xét rằng việc thu nhỏ kích thước của bánh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nó. "Chúng tôi sẽ cố gắng làm bánh nếu mọi người vẫn mua nó. Pandesal vốn rất quan trọng trong đời sống của người Philippines", bà Mauleon nói.

Hàng nghìn thợ làm bánh tại Philippines đang đau đầu vì chi phí nguyên liệu thô đắt đỏ. Ảnh: AFP

Hàng nghìn thợ làm bánh tại Philippines đang đau đầu vì chi phí nguyên liệu thô đắt đỏ. Ảnh: AFP

Trong khi đó, đối với Laarni Guarino, người phụ nữ 35 tuổi có 5 con, giá cả tăng cao đồng nghĩa với việc gia đình cô giờ ăn ít bánh cuốn hơn vào bữa sáng.

"Chúng tôi sẽ phải suy tính lại túi tiền của mình. Có lẽ các con tôi sẽ chỉ được ăn từ 3-4 phần bánh pandesal, thay vì 5 phần bánh như trước đây. Giá bánh tăng thêm 50 centavos cũng là một điều lớn đối với những người nghèo như chúng tôi", cô cho biết.

Còn ông Lucito Chavez, Chủ tịch hiệp hội các tiệm bánh địa phương, cho biết hàng nghìn thợ làm bánh đang đau đầu vì chi phí nguyên liệu thô, hầu hết đều là hàng nhập khẩu, đang tăng vọt. “Tất cả chúng tôi đang đấu tranh, không phải để kiếm lợi nhuận, mà là để tồn tại. Nhưng chúng tôi cũng phải bảo vệ ngành công nghiệp bánh pandesal", ông Chavez nhấn mạnh.

Lạm phát ở Philippines đã chạm ngưỡng 6,1% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 4 năm qua. Nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu tăng mạnh đã đẩy chi phí thực phẩm và phí vận tải lên cao.

Nhà lập pháp và nhà kinh tế Philippines Joey Salceda cho biết, những bánh pandesal sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi "Shrinkflation" (lạm phát thu nhỏ), khi kích thước của bánh nhỏ đi nhưng giá thì vẫn giữ nguyên.

"Giá lúa mì đã tăng 165%", ông cho biết, đồng thời kêu gọi các cửa hàng bánh trong nước cần đảm bảo dinh dưỡng trong những chiếc bánh bán ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.