Lào mong muốn doanh nghiệp gỗ Việt sang đẩy mạnh đầu tư kỹ thuật và trồng rừng

Lào Việt nAM
17:16 - 04/06/2022
Nhập khẩu gỗ Lào vào Việt Nam chiếm số lượng lớn.
Nhập khẩu gỗ Lào vào Việt Nam chiếm số lượng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Xác định Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm xuất khẩu gỗ của mình, Lào mong muốn các doanh nghiệp Việt có nhiều hoạt động đầu tư trồng rừng và tập huấn kỹ thuật hơn nữa sang nước này, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững thương mại gỗ hai nước.

Theo thống kê, trong khi lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước Đông Nam Á đều giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022, nhưng riêng thị trường Lào lại có xu hướng ngược chiều khi vẫn tiếp tục đà tăng từ năm 2021.

Tuy nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Lào vào Việt Nam chiếm số lượng lớn nhưng theo các chuyên gia hiện nay Lào vẫn là vùng cung nguyên liệu gỗ rủi ro. Do vậy, yêu cầu đặt ra cần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là quá trình thực hiện tiến trình thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT) ở Việt Nam và Lào.

Xuất khẩu gỗ Lào vào Việt Nam vẫn tăng cao

Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu gỗ Lào - Việt Nam tại hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam - Lào”, ngày 3/6, TS. Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức nghiên cứu Forest Trends cho biết, riêng lượng gỗ tròn và gỗ xẻ mà Việt Nam nhập khẩu từ Lào đã giảm mạnh từ 2014 đến nay.

“Năm 2016, Chính phủ Lào áp dụng Chỉ thị 15/TTG kiểm soát gỗ chưa chế biến từ Lào xuất khẩu vào các quốc gia khác và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Lào nên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến hết tháng 4/2022, xu hướng tương đối lạ là số lượng gỗ Lào nhập khẩu vào Việt Nam tăng trở lại”, ông Phúc nêu ra vấn đề.

Về cơ cấu sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam, nghiên cứu của Forest Trends chỉ ra, lượng gỗ tròn nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam sau Nghị định 15 năm 2016 còn rất ít chỉ khoảng 20% so với số lượng trước khi kiểm soát, từ 308,647 m3 (2015) xuống còn 17,708 (2021). Trong khi đó, lượng gỗ xẻ lại còn tương đối lớn.

Các loại gỗ tròn nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào, gồm hương, gõ, thông, nghiến, tràm. Trong khi đó, các loại gỗ xẻ nhập khẩu chính gồm lim, bơ, giuỗi, gõ lau, căm xe, hương, cà te – đều là những gỗ rừng tự nhiên có giá trị nhập khẩu lớn và đang có xu hướng tăng gần đây.

Ảnh tác giả

“Bên cạnh những loại gỗ rừng trồng tự nhiên, còn có một số loại gỗ xuất khẩu sang Việt Nam của Lào là gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng, do vậy Chính phủ 2 nước cần tính đến đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp hai bên”.

TS. Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức nghiên cứu Forest Trends

Trong khảo sát đã thực hiện về các hoạt động xuất nhập khẩu gỗ hai nước Lào – Việt Nam từ 2016 đến 2020 ghi nhận một loạt công ty không đáp ứng được các yêu cầu dẫn đến phải đóng cửa (từ 2.102 doanh nghiệp 2016 còn 1.030 doanh nghiệp năm 2020).

Khi được hỏi về các khó khăn, ông Phúc cho biết, các doanh nghiệp Lào phản ánh chung về sự thiếu thông tin, chưa hiểu rõ về thị trường Việt Nam. Yêu cầu về chất lượng, kích cỡ sản phẩm xuất khẩu không phù hợp với thị hiếu người mua Việt Nam.

“Việc hợp tác giữa các hiệp hội 2 quốc gia có tiềm năng trong việc làm rõ nguồn cung gỗ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là cơ sở xây dựng năng lực cho các bên liên quan và đẩy mạnh tiềm năng mở rộng thị trường và thúc đẩy thương mại bền vững”, TS. Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Lào đề nghị nhiều hợp tác thương mại ngành gỗ với Việt Nam

Trao đổi về những đề xuất để thương mại gỗ Việt Nam – Lào phát triển bền vững hơn nữa, ông Xaybandith Rasphone, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào (LNCCI) cho rằng, 2 nước cần hệ thống lại nhu cầu thị trường, để thống nhất về nhu cầu thị trường với vùng cung cấp nguyên liệu.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào để đầu tư rừng trồng bên này, hướng dẫn các doanh nghiệp Lào trồng loại gỗ gì, chế biến, kỹ thuật phù hợp cho thị hiếu của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần tính toán đầy đủ các điều kiện để bảo đảm lợi ích cho hai bên”.

Ông Xaybandith Rasphone, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào

Đánh giá cao kỹ năng tay nghề của Việt Nam, ông Xaybandith mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sang tập huấn giúp đỡ các doanh nghiệp Lào phát triển tay nghề và cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam có nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch LNCCI cũng cho rằng, 2 bên có thể tính đến tổ chức nhiều hơn các triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại doanh nghiệp hai bên liên quan đến gỗ ở tại Lào cũng như Việt Nam từ khâu sản xuất đến khâu thương mại.

Một vấn đề quan trọng khác để thúc đẩy thương mại gỗ 2 nước được ông nhắc đến là việc Lào đã xây dựng cơ cấu thực thi Hiệp định VPA của Lào. “Việt Nam cần nhiều nguyên liệu gỗ, trong đó Lào là thị trường xuất khẩu nhiều gỗ tròn, gỗ xẻ sang Việt Nam. Năm 2023, Chính phủ Lào dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận và tiến hành ký kết, thực thi hiệp định. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tiến trình này vì đây sẽ là bước tháo gỡ rào cản cho thương mại gỗ 2 nước”, ông Xaybandith nhấn mạnh.

Đáp lời đề nghị của Phó Chủ tịch LNCCI, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, đối với nhập khẩu gỗ, Việt Nam trên cơ sở phân loại rủi ro vùng cung địa lý, hiện nay Lào đang là vùng địa lý không tích cực của Việt Nam. Còn khi đàm phán VPA thành công, Lào sẽ trở thành vùng địa lý tích cực.

Ảnh tác giả

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của thế giới nên trên con đường ra biển lớn gặp rất nhiều sóng to gió cả. Đó cũng sẽ là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ lại cho Lào trong phát triển ngành công nghiệp gỗ. Sau cuộc họp này, hiệp hội gỗ 2 nước sẽ tiến tới ký kết văn bản ghi nhớ để tăng cường thương mại 2 nước một cách bền vững”.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Để thúc đẩy doanh nghiệp 2 bên thương mại gỗ, ông Hoài đưa ra đề xuất hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên bằng việc tạo các nền tảng trao đổi và cập nhật về tiến trình đàm phán và thực thi VPA/FLEGT giữa 2 nước cũng như chia sẻ các quy định pháp lý về cập nhật xuất/nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Lào.

Việt Nam – Lào cần thúc đẩy khu vực tư nhân 2 bên cung cấp thông tin, dữ liệu và chia sẻ các mối quan tâm về quản lý rủi ro thương mại gỗ, đẩy mạnh hơn nữa nhiều cuộc gặp gỡ giữa 2 nước với các chủ thể khác nhau.

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách về nhân lực và trồng rừng

Chia sẻ của một công ty đầu tư công nghiệp gỗ ở tỉnh Xiang Khouang của Lào, ông Phùng Hoài Linh, Phó Tổng giám đốc công ty Phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến Đức Song Thắng khẳng định cam kết làm ăn lâu dài ở Lào.

Chia sẻ về quá trình đầu tư, ông Linh bày tỏ khó khăn hiện tại là thiếu nguồn nhân lực. “Tuy công ty đã có tập huấn nhiều cho công nhân Lào nhưng cam kết của công nhân lại với doanh nghiệp hầu như không có. Mong muốn Lào có chính sách về cung ứng và đào tạo nhân lực”, đại diện Đức Song Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Linh cho rằng, vấn đề xác định gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng ở Lào đang gặp những ranh giới mong manh liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Đất hoang, núi trọc ở Lào tuy nhiều nhưng việc phát triển trồng rừng cần được thúc đẩy hơn nữa. Chính phủ Lào nếu có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trồng rừng và chế biến gỗ sẽ giúp ngành công nghệ gỗ của Lào phát triển bền vững.

“Nếu Lào mong muốn Việt Nam đẩy mạnh đầu tư và đưa kỹ thuật chuyên gia sang hỗ trợ thì cần có những chính sách thông thoáng hơn nữa để sự hợp tác 2 bên có thể thuận lợi hơn”, ông Linh đề xuất.

Ngược lại về phía Việt Nam, ông Linh cũng kiến nghị về cơ chế giá cơ sở áp thuế bổ sung nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam phù hợp hơn, vì mức giá hiện tại đang cao khi áp giá cơ sở đang áp với gỗ Hương tại cảng lên tới 700USD/m3, gỗ Tech lên tới 500USD/m3 gây giảm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.