Lào tiếp tục là nước nhận vốn đầu tư nhiều nhất từ doanh nghiệp Việt Nam

ĐẦU TƯ Lào
14:20 - 28/09/2022
Thương hiệu Unitel của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội giúp thúc đẩy cách mạng 4.0 tại Lào.
Thương hiệu Unitel của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội giúp thúc đẩy cách mạng 4.0 tại Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 398,3 triệu USD. Trong đó, Lào là quốc gia nhận đầu tư nhiều nhất với 66,42 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 398,3 triệu USD, bằng 69,6% với cùng kỳ năm 2021.

Về cơ cấu đầu tư, 9 tháng đầu năm, có 80 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 347,3 triệu USD, tăng gấp 2,31 lần so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới 9 tháng năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ do có 5 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án Công ty cổ phần giải pháp năng lượng Vines sang Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu USD.

Có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn 9 tháng đầu năm với tổng vốn tăng thêm trên 50,9 triệu USD, nhưng vẫn chỉ bằng 12% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh này là do trong 9 tháng năm ngoái có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn như dự án của Vingroup tại Mỹ tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.

Riêng các doanh nghiệp có vốn Nhà nước có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 10,75 triệu USD, chiếm tỷ lệ nhỏ (2,7%) tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng 2022.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 11 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư trên 291,6 triệu USD, chiếm 55,2% tổng vốn đầu tư.

Ngành hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm đứng thứ hai với 4 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư trên 35,3 triệu USD, chiếm 8,9%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; khai khoáng; nông, lâm nghiệp, thủy sản; …

Về lãnh thổ đầu tư, theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 66,42 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư gần 41,5 triệu USD, chiếm gần 10,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Mỹ, Đức, Hà Lan,…

Đầu tư của Việt Nam sang Lào ngày càng mở rộng và toàn diện

Thống kê cho thấy Lào luôn đứng thứ nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Luỹ kế đến nay, Việt Nam có 237 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,34 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan).

Các dự án đầu tư của Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp,...Đáng chú ý, một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.

Tại chương trình giao lưu, trao đổi với chủ đề "Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào", do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Mekong ASEAN phối hợp tổ chức mới đây, Bà Sonechan Phoutthavong - Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp bộ, ngành.

Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.

"Hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau", bà Sonechan Phoutthavong cho biết.

Lũy kế đến ngày 20/9/2022, Việt Nam đã có 1.584 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,6 tỷ USD. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,6% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,6%); Venezuala (8,4%).

Đọc tiếp