Liên danh Đèo Cả - Hưng Thịnh - Nam Miền Trung muốn làm cao tốc tại Lâm Đồng

CAO TỐC Lâm đồng
16:39 - 08/11/2022
Liên danh Đèo Cả - Hưng Thịnh - Nam Miền Trung muốn làm cao tốc tại Lâm Đồng
0:00 / 0:00
0:00
Theo tờ trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung, trong đó Đèo Cả làm đại diện liên danh nhà đầu tư.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình số 8417/TTr- UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.

Dự án có tổng chiều dài 66km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km (đi qua huyện Tân Phú); đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc). Tổng mức đầu tư dự kiến là 17.200 tỷ đồng.

Điểm đầu của dự án trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án được bố trí chiều rộng nền đường rộng 17m với 4 làn xe ô tô; nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22m; các đoạn dừng xe khẩn cấp được bố trí không liên tục với khoảng cách 4-5km/vị trí.

Về tiến độ, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết giai đoạn phân kỳ sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 – 2026; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thực hiện đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông dự kiến sau năm 2035.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỷ đồng gồm phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; vốn huy động khác là 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động hợp pháp.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án theo tờ trình là khoảng 455ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha). Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22m.

Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21ha (rừng tự nhiên 126,37ha, rừng trồng 59,85ha); trong đó tỉnh Lâm Đồng là 144,78ha (rừng tự nhiên 123,29ha, rừng trồng 21,49ha), tỉnh Đồng Nai là 41,43ha (rừng tự nhiên 3,08ha, rừng trồng 38,36ha).

Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hồi đầu năm, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục, phấn đấu khởi công đoạn Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.

Tin liên quan

Đọc tiếp