Liên kết để có một đồng bằng mang thương hiệu vùng thế giới

ĐBSCL NÔNG NGHIỆP
08:37 - 18/12/2021
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta không nên dùng tư duy địa phương mà nên dùng tư duy liên kết vùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta không nên dùng tư duy địa phương mà nên dùng tư duy liên kết vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhấn mạnh yêu cầu cần có tư duy liên kết, tư duy hợp tác để Đồng bằng Sông Cửu Long phục hồi và phát triển bền vững là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại diễn đàn Mekong Connect 2021.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tình hình phát triển của ĐBSCL sẽ khác nếu xem khu vực này là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính của 13 tỉnh.

“TP.HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Chính tôi ngày xưa cũng từng cùng Đoàn Doanh nghiệp lên TP.HCM ký kết hợp tác. Sao mình không hợp tác cả đồng bằng với TP.HCM và miền Đông. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng Hoan đặt vấn đề.

Diễn đàn Mekong Connect 2021, ngày 17/12.

Diễn đàn Mekong Connect 2021, ngày 17/12.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới sự chuyển đổi từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”. Tích hợp giá trị tài nguyên bản địa để làm ra giá trị cao hơn. Giới thiệu cả phần hồn của vùng đất chứ không chỉ là bán một trái quýt, trái cam.

“ĐBSCL phải được nhìn nhận như là một thực thể kinh tế. Chẳng hạn, về con cá tra, cá giống được sản xuất ở Long An, nhà máy chế biến nằm ở Cần Thơ, thị trường tiêu thụ phải đi qua cửa ngõ TP.HCM. Hay một ông thương lái ở Cần Thơ đi thu mua lúa gạo ở Đồng Tháp, Bến Tre … Những mạch máu kinh tế như thế nằm chi chít khắp 13 tỉnh, TP ở ĐBSCL, không đóng khuôn trong một địa giới hành chính nào”, Bộ trưởng phân tích.

Chỉ ra yêu cầu cần có mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, Bộ trưởng Hoan cho rằng, Việt Nam không thiếu đất mà thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Do đó, cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương.

“Chúng ta không nên dùng tư duy địa phương mà nên dùng tư duy liên kết vùng, viết tên mỗi địa phương An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… nhỏ lại một xíu để cái tên Mekong Delta lớn lên. Dưới góc nhìn thị trường, sản lượng của mỗi địa phương rất nhỏ nhưng nếu nhìn gộp lại sản lượng cả Việt Nam sẽ là một con số đáng nhớ”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Từ thực tiễn sinh động ở ĐBSCL tôi mong rằng các doanh nghiệp, các chuyên gia bằng các mô hình, bằng sự hợp tác công tư đóng góp ý tưởng, đóng góp sáng kiến làm sao để 20 năm nữa, chúng ta có một đồng bằng mang thương hiệu thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Những gì Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ cũng chính là tinh thần của diễn đàn Mekong Connect 2021 được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu trong phần khai mạc.

Ông Mãi cho biết, các tỉnh/thành ĐBSCL vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất của COVID-19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt và thời gian tới là thời điểm thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất - phục hồi kinh tế, muốn làm được điều này không thể thiếu sự liên kết cùng phát triển.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trong quá trình phát triển kinh tế, TP.HCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL. Với “địa kinh tế” của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh tác giả

“Chúng ta đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng - du lịch - hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp, và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường”,

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, sự liên kết này lại càng được phát huy chặt chẽ.

“Từ thực tế khách quan và nhu cầu của mỗi địa phương, chúng ta càng nhận ra rằng, liên kết cùng phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. TP.HCM sẽ cùng ĐBSCL ngồi lại bàn bạc để tìm ra các giải pháp chung, gắn bó cùng nhau phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển”, Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ kỳ vọng.

Với góc nhìn của một doanh nghiệp đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết để phát triển, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ, doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường nông nghiệp rất sớm từ hơn 20 năm trước và hiểu được rằng làm việc với nông dân các vùng miền không hề dễ.

Để phát triển bền vững, Phúc Sinh nhìn nhận liên kết là yêu cầu tất yếu. Không chỉ đơn giản là xây một nhà máy hoạt động 5 – 10 năm mà còn phải phát triển bền vững nhiều năm sau nữa.

“Chính vì vậy, Phúc Sinh đã dành một quỹ tiền rất lớn để làm việc việc với nông dân, kết nối họ bằng chuyển đổi số và sử dụng những phần mềm, kỹ thuật số. Kết quả là hai năm qua dù dịch COVID-19 gây khó khăn nhưng Phúc Sinh vẫn có lãi và năm 2021 lãi gấp 3 lần năm 2020 nhờ chuyển đổi số có thể kết nối dễ dàng các vùng miền và hướng đến phát triển bền vững nên sản phẩm vẫn được các đối tác nước ngoài đón nhận”, ông Thông chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp