Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn còn rời rạc

KINH TẾ Miền trung
10:29 - 02/07/2022
Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn còn rời rạc
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa phát huy được hết tiềm năng là do tính liên kết giữa các địa phương trong vùng còn khá lỏng lẻo, tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt nhiều kết quả quan trọng tuy nhiên khu vực này vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình.

Ngày 1/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới".

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW khẳng định kinh tế- xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn Vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng 10,25%/năm. Giai đoạn 2011-2019 có sự sụt giảm so với thời kỳ trước xuống mức 8,14%, song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước là 6,2%/năm.

Nhìn về tổng thể, mặc dù duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài nhưng quy mô nền kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam.

Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn nhưng còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn…

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng giống như nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế.

Liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng; chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng.

"Liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, hình thức chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng; năng lực, tư duy và trình độ quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển; hệ thống thông tin dữ liệu chung của vùng chưa được quan tâm; thiếu sự phân công giữa các địa phương trong vùng".

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Một số tài nguyên, nguồn lực bị khai thác manh mún nên hiệu quả thấp; liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa đa dạng, chưa chặt chẽ; kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn bất cập…

Đặc biệt, tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại; hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế dẫn đến việc liên kết phát triển ít được quan tâm đúng mức, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, Bí thư 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã đề cập tới nhiều nội dung được cho là khó khăn nhất trong liên kết phát triển vùng gồm:

Việc thành lập Hội đồng vùng hay Tổ điều phối vùng không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là thể chế, cơ chế để các tổ chức này hoạt động.

Ngoài ra, để làm tốt công tác liên kết vùng phải có vai trò của Trung ương trong việc điều phối thì mới đủ thầm quyền, có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Lãnh đạo các tỉnh chia sẻ khó khăn vướng mắc.

Lãnh đạo các tỉnh chia sẻ khó khăn vướng mắc.

Bên cạnh đó cũng cần phải có nguồn lực để đảm bảo cho Vùng Kinh tế trọng điểm. Bởi nếu đã xác định vùng trọng điểm thì phải có cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển vùng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và là động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định.

Tại cuộc toạ đàm, đại diện các lãnh đạo tỉnh cũng nêu ra câu hỏi có nên nghiên cứu phân chia lại vùng kinh tế trọng điểm. Bản thân 5 tỉnh, thành phố này không thể đủ sức để trở thành động lực cho cả khu vực miền Trung. Nên chăng phải tính đến cả các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay mới chỉ liên kết các tỉnh theo trục dọc, chưa có liên kết ngang.

Kết thúc tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả Tọa đàm để lựa chọn, tổng hợp đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung cũng như liên kết phát triển vùng nói riêng trong thời gian tới.

Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là một bộ phận quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với nhiều tiềm năng, lợi thế nên được Nghị quyết 39-NQ/TW đặt vào vị trí trung tâm và định hướng trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.