Liên minh châu Âu công bố gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga

KINH TẾ NGA
09:31 - 21/07/2022
Gói trừng phạt thứ 7 của EU nhắm vào vàng của Nga. Ảnh: TASS
Gói trừng phạt thứ 7 của EU nhắm vào vàng của Nga. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu vàng, phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank và thêm nhiều cái tên cá nhân/tổ chức nước này vào danh sách đen.

TASS cho biết, Ủy ban Đại diện thường trực EU ngày 20/7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 7 của khối nhằm vào Nga. Theo đó, "các lệnh trừng phạt mới bao gồm cấm nhập khẩu vàng, mở rộng danh sách đen và bổ sung các biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại".

Cụ thể, EU tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Một số sản phẩm nhất định sẽ được thêm vào danh sách cấm vận. Lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga từng được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó Đức, Pháp và Italy là thành viên, nhất trí tại cuộc họp hồi cuối tháng 6.

Bên cạnh đó, danh sách đen của EU cũng bổ sung thêm 48 cá nhân và tổ chức của Nga trong diện bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Liên minh này cũng sẽ đóng băng tài sản của ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất các biện pháp này vào tuần trước và nhận định chúng sẽ giúp việc thực thi các biện pháp trừng phạt trước đó hiệu quả hơn và gia hạn cho đến tháng 1/2023.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố gói trừng phạt mới được gia hạn cho đến tháng 1/2023. Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố gói trừng phạt mới được gia hạn cho đến tháng 1/2023. Ảnh: AP

Trong khi đó, Cộng hòa Czech, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và chủ trì hội nghị các nhà ngoại giao EU ngày 20/7, cho biết lệnh trừng phạt thứ 7 "không gây nguy hiểm cho tình hình an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới".

Các thành viên của EU sẽ phải ký vào văn bản, trước khi gói trừng phạt này dự kiến có hiệu lực từ hôm nay, ngày 21/7.

Sáu gói trừng phạt trước đó của EU đã nhắm vào nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng trung ương của Nga, các quan chức hàng đầu của chính phủ, cũng như Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vòng trừng phạt gần đây nhất đã được thông qua vào tháng 6 và áp đặt lệnh cấm đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga trên biển. Động thái này nhằm gây sức ép với Nga thông qua việc chặn nguồn thu quan trọng của nước này từ ngành năng lượng.

Tuy nhiên, nhập khẩu khí đốt vẫn chưa bị cấm, trong bối cảnh Ukraine đang kêu gọi ban hành lệnh cấm này. Thủ tướng Czech Petr Fiala nhận định EU phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng dòng chảy của Nord Stream 1 ngưng hoàn toàn, tìm nguồn khí đốt thay thế và chia sẻ nguồn cung giữa các nước.

Một ý tưởng được đưa ra là các nước EU sẽ mua chung khí đốt, nhưng vướng phải khó khăn về mặt kỹ thuật và hành chính. Một số nước thành viên EU cũng cho rằng nên áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, nghĩa là áp đặt một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà Nga sẽ nhận được.

Cùng ngày, Nga đã phản ứng trước các ý tưởng trừng phạt của EU. Phát biểu trên truyền hình hôm 20/7, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp giá trần. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo kế hoạch của phương Tây khi áp giá trần lên dầu Nga như một phần trong các biện pháp trừng phạt vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ chỉ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu thêm bất ổn và giá cả tăng cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp