Lỗ 116 tỷ trong quý 4 kéo lợi nhuận của PV Power giảm 25%

DOANH NGHIỆP Việt nAM
09:43 - 16/01/2022
Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1.
Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1.
0:00 / 0:00
0:00
Sự cố kỹ thuật tại nhà máy điện than Vũng Áng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý 4 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power). Thực tế trong tháng 10 và 11/2021, sản lượng điện từ nhà máy này đã giảm 63%.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán POW) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Theo đó, tổng sản lượng điện toàn tổng công ty đạt hơn 14,7 triệu kWh, đạt 79% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng điện tại Nhà máy điện Vũng Áng 1 và Nhà máy điện Cà Mau 1&2 chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 5,5 triệu KWh và 4,3 triệu KWh, lần lượt hoàn thành 87% và 67% kế hoạch.

Doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 25.625 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm, giảm gần 14% so với năm 2020. Doanh thu công ty mẹ ước đạt 17.979 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty ước đạt 2.184 tỷ đồng, bằng 141% kế hoạch năm; sau thuế ước đạt 1.917 tỷ đồng, bằng 145% kế hoạch, giảm 25% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 1.877 tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch; sau thuế đạt 1.700 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch năm.

Kết quả đi xuống của POW trong năm 2021 chủ yếu do quý IV kéo xuống. Cụ thể trong quý này, tổng công ty ước đạt 4.658 tỷ đồng doanh thu, giảm 41% so với cùng kỳ. Kết quả lỗ sau thuế 116 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn nghìn tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên POW thua lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tình hình kinh doanh của POW 7 năm gần đây.

Giải trình với cổ đông về nguyên nhân khiến sản lượng điện chưa đạt kế hoạch được giao, POW cho biết: Trong năm 2021 nhu cầu phụ tải trên hệ thống tiếp tục giảm mạnh do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trên khắp cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành cách ly xã hội và các nhà máy điện năng lượng mặt trời vẫn đang được huy động tối đa công suất, dẫn đến giá thị trường không cao. Các nhà máy điện của PVPower được huy động mức tải thấp.

Ngày 19/9/2021, tổ máy S1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố tuabin máy phát trong quá trình khởi động. Cho đến nay, các công việc khắc phục và xử lý sự cố đang được tiến hành khẩn trương nhằm đưa tổ máy S1 trở lại vận hành trong thời gian sớm nhất.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, PV Power cho biết EVN chưa giao kế hoạch cụ thể về sản lượng điện theo hợp đồng (Qc) cho các nhà máy. Tuy nhiên trong năm 2022, nhà máy Cà Mau sẽ đại tu và POW sẽ phải áp dụng giá hợp đồng mới. Vì vậy, ban lãnh đạo đưa ra con số doanh thu và lợi nhuận “giật lùi” lần lượt là 24.242 tỷ đồng và 743 tỷ đồng.

Đối với dự án Nhơn Trạch 3 và 4, POW cho biết gói thầu EPC sẽ được chốt trong tháng 1/2022 và dự kiến khởi công trong quý 1/2022. Đây là dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam với công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Khi nhà máy đi vào hoạt động, POW sẽ có lực để tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, các khoản đầu tư mới này cũng sẽ mang lại gánh nặng trả nợ vay cho POW trong năm 2022.

Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu lớn cho POW khi đi vào hoạt động.

Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu lớn cho POW khi đi vào hoạt động.

Về cổ phiếu, POW chính thức niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM từ tháng 3/2018, sau đó chuyển sang sàn HoSE từ 14/1/2019. Tuy nhiên trong suốt 4 năm, cổ phiếu có bước đi khá lầm lũi bởi không được nhà đầu tư hào hứng lắm, dao động trong vùng giá 10.000 - 14.000 đồng/cp.

Vậy nhưng vào tháng cuối năm 2021, POW bỗng dưng tăng tới 35% chỉ trong vòng 20 ngày. Cụ thể, phiên 21/12, POW tăng giá kịch trần lên 19.500 đồng/cổ phiếu, trong khi hôm 1/12 chỉ ở mức 14.000 đồng.

Khi thông tin thua lỗ quý IV rò rỉ, nhiều nhà đầu tư “quay xe” nên vài phiên cuối năm, POW phải chịu cảnh nằm sàn với thanh khoản đột biến lên tới xấp xỉ 70 triệu đơn vị, con số lớn nhất từ khi lên sàn chứng khoán tới nay. Tuy nhiên sang đầu năm mới, mã tiếp tục lập đỉnh mới vào phiên 7/1 với thị giá 20.200 đồng. Hiện về mức 17.700 đồng.

Dựa trên đánh giá thị trường điện, Bộ phận phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) đưa POW vào danh sách nhóm cổ phiếu ngành điện có mức định giá khá hấp dẫn, tình hình tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn, phù hợp để nắm giữ dài hạn.

Theo Agriseco Research, dòng tiền lớn ổn định của POW sẽ đảm bảo tiềm lực và nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi huy động vốn cho các dự án mới. Điều kiện thủy văn trong năm 2022 cũng rất thuận lợi cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khi nhiệt điện than và khí đang chiếm trên 90% tổng công suất hiện tại.

Còn Chứng khoán SSI thì cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang. Bởi vì giá khí ở mức cao làm cho nhóm công ty điện khí kém cạnh tranh hơn nhóm điện than khi EVN ưu tiên huy động nguồn điện có chi phí thấp hơn. Trong khi đó, POW được xếp vào nhóm điện khí.

Tin liên quan

Đọc tiếp