Lộ diện ngân hàng bứt phá nhất về lợi nhuận trong 10 năm qua

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:03 - 07/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Trong 10 năm qua, ngành ngân hàng đã có sự hoán đổi vị trí lớn trong “đấu trường lợi nhuận”. Có những nhà băng từ chót bảng đã vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng có nhà băng từ hàng đầu phải lui về phía sau.

2021 có thể nói là năm đại thắng của ngành ngân hàng khi hầu hết các nhà băng đều ghi nhận tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Vietcombank vẫn dẫn đầu toàn ngành với 27.400 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng 19% so với 2020; bỏ xa 3 thành viên khác trong nhóm “big 4”. Ở vị trí thứ hai là Techcombank với 23.238 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 47% so với năm trước.

Trong 10 năm qua, Vietcombank (VCB) và Techcombank (TCB) cũng là hai ngân hàng có sự tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất với tỷ lệ lần lượt là 381% và 451%. Riêng Vietcombank đã giữ ngôi vị “quán quân” từ 2017 đến nay và lợi nhuận đạt trên 20.000 tỷ đồng từ năm 2019. Không chỉ vậy, các chỉ số cơ bản khác như ROA, ROE, chất lượng tín dụng, nợ xấu và năng suất lao động bình quân của nhân viên... VCB đều tỏ ra quá mạnh so với các ngân hàng khác.

Vietcombank có lợi thế là mang sứ mệnh của một ngân hàng thương mại, đặc biệt về hoạt động ngoại thương ngay từ khi “chào đời” (tiền thân là Cục ngoại hối trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), không phải gánh quá nhiều các "nhiệm vụ chính trị", an sinh xã hội như các ngân hàng quốc doanh khác.

Trong khi đó, các hoạt động liên quan đến ngoại tệ và ngoại thương như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, ngoại hối... VCB đều chiếm ưu thế. Ví dụ như sự kiện ThaiBev mua lại Sabeco với giá 5 tỷ USD, chỉ duy nhất VCB đủ tiềm lực ngoại tệ để đáp ứng cho thương vụ này.

Còn Techcombank, chiến lược “khách hàng là trọng tâm” với mô hình kinh doanh “rủi ro thấp lợi nhuận cao” đã giúp nhà băng vươn lên mạnh mẽ, đứng đầu top 10 nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân uy tín nhất liên tục từ 2019 đến nay. Nhờ tiên phong trong chuyển đổi số, miễn phí dịch vụ, cuối năm 2020, TCB ghi dấu ấn khi đạt tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất lịch sử ngành ngân hàng (46,1%). Năm 2021, TCB tiếp tục dẫn đầu ở mảng này với tỷ lệ với 50,5%.

Ngoài 2 ngân hàng trên thì nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng có sự tăng trưởng đều về lợi nhuận như MBBank, VPBank, TPBank, HDBank, VIB… Trong đó, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có “cuộc lột xác” ngoạn mục nhất.

Năm 2011, với số lỗ 1.372 tỷ đồng, TPBank là một trong 9 nhà băng bị Ngân hàng Nhà nước liệt vào tình trạng yếu kém, bắt buộc phải tái cấu trúc. Sự gia nhập của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji sau đó chính là động lực giúp nhà băng này “thay da đổi thịt” từng ngày. Lợi nhuận năm sau đều tăng trưởng so với năm trước và 2021 đã đạt tới con số 6.038 tỷ đồng.

Còn VPBank năm 2011, lợi nhuận trước thuế mới chỉ đạt 1.064 tỷ đồng, nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng lợi nhuận. Tuy nhiên, từ năm 2017, VPBank đã chễm chệ trong top 5 lợi nhuận. “Gà đẻ trứng vàng” FE Credit là động lực chính giúp ngân hàng đạt được vị thế này. Năm 2021, nếu tính cả phần thu về từ thoái 49% vốn điều lệ tại FE Credit thì VPBank đoạt “ngôi vương” với mức lợi nhuận trước thuế cả năm đạt gần 38.000 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng cần ghi nhận sự nỗ lực là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Thực tế vào năm 2007, ACB từng đứng đầu ngành biên lợi nhuận trước thuế/thu nhập lãi thuần với tỷ lệ 162%; đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2011 với 4.203 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2012, sau sự cố liên quan đến nhóm nợ xấu của bầu Kiên, ngân hàng đánh mất vị trí đó và phải mất tới 6 năm để thoát khỏi dư âm của cuộc khủng hoảng đó. Từ năm 2018 đến nay, ACB tăng trưởng mạnh về lợi nhuận và 2021 đã đạt mức 11.998 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, Eximbank (EIB) là cái tên duy nhất đi lùi trong nhóm ngân hàng với tỷ lệ giảm lên tới 169%. Nguyên nhân chính khiến Eximbank từ vị trí “ông lớn” thuộc top đầu trở thành nhà băng èo uột với nhiều tai tiếng là những bất đồng kéo dài trong nội bộ. Việc thay đổi lãnh đạo thường xuyên, nhiều năm liền không tổ chức được Đại hội cổ đông khiến ngân hàng không thể ổn định để tập trung cho phát triển kinh doanh.

Tuy không đi lùi nhưng Vietinbank (CTG) lại có bước đi chậm chạp khiến các đối thủ trong ngành nhanh chóng vượt qua. Thực tế từ 2011-2014, CTG liên tục giữ vị trí “quán quân” về lợi nhuận. Nhưng sang năm 2015, Vietinbank bị BIDV “vượt mặt” và đến 2017 thì thua hẳn Vietcombank. Năm 2021, Vietinbank chính thức bị Techcombank soán ngôi Á quân; các ngân hàng khác như MBBank, VPBank cũng đuổi sát nút.

Nhìn lại một thập niên qua, có thể thấy sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chính là nguyên nhân khiến bảng xếp hạng có nhiều xáo trộn. Việc Techcombank đuổi sát Vietcombank hay MBBank, VPBank gần theo kịp Vietinbank chính là những tín hiệu cho thấy cuộc đua lợi nhuận giữa các ngân hàng trong thời gian tới sẽ còn gay cấn hơn nữa.

Tin liên quan

Đọc tiếp