Lộ diện Top 10 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất quý I/2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
09:35 - 09/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thống kê từ Báo cáo tài chính tại các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cho vay tại các nhà băng đa phần đều có sự tăng nhẹ trong quý I/2022. Tuy vậy, một số ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu và dư nợ cho vay ở mức thấp.

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp

Tính đến 31/3/2022, nợ xấu nội bảng tại 27 nhà băng niêm yết là 11.147 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm nay. Trong đó, một số ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu rất thấp như Techcombank, BIDV, Vietcombank, ACB, MB, BacABank đều ở mức dưới 1%.

Ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nội bảng là Techcombank với 0,66%, giảm 0,01 điểm % so với đầu năm 2022. Tổng nợ xấu nội bảng của nhà băng này thêm gần 148 tỷ lên mức là 2.441 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối quý 1 trong khi dư nợ cho vay của TCB rất lớn, lên tới 365.742 tỷ đồng. Techcombank cũng là ngân hàng sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp, nếu xét tỷ lệ nợ xấu/ tổng tín dụng, tỷ lệ này của Techcombank chỉ ở mức 0,57%.

Xếp thứ 2 theo bảng thống kê là ngân hàng BacABank với tỷ lệ nợ xấu đạt 0,75%, giảm từ 0,77% hồi đầu năm. Thời điểm cuối quý I, nợ xấu của nhà băng này ở mức 645 tỷ đồng.

Top các ngân hàng còn lại là Vietcombank, ACB và MB, cả 3 ngân hàng đều ghi nhận sự tăng nhẹ tỷ lệ nợ xấu, tuy nhiên xét đến cuối quý I/2022, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp với Vietcombank là 0,81%; ACB 0,82% và MB Bank là 0,99%.

Theo đó, Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm big 4 ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

3 ngân hàng còn lại là BIDV, Vietinbank và Agribank đều ghi nhận mức tăng trưởng tỷ lệ nợ xấu với BIDV tăng nhẹ 3,7% trong quý này lên mức 13.730 tỷ đồng. Khối nợ xấu nội bảng của BIDV hiện nay về giá trị tuyệt đối cũng thuộc top đầu, đứng thứ 3 chỉ sau VPBank và Vietinbank.

Tuy nhiên, nếu so với dư nợ cho vay lên tới hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của BIDV vẫn thuộc nhóm thấp trong hệ thống khi tăng từ 0,97% lên 1% trong quý này.

VietinBank mặc dù có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 3 là hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức thấp. Lý do là vì dư nợ cho vay của nhà băng này rất lớn, đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 1,24%, trong kỳ, Vietinbank đã tăng gấp 3 lần chi phí dự phòng rủi ro lên 4.426 tỷ đồng.

Quy mô nợ xấu tại thời điểm 31/12/2021 của ngân hàng Agribank là 24.553 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,71%, tăng 0,14%.

Các ngân hàng thương mại khác cũng có tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp tính đến cuối quý 1, chỉ dao động trong khoảng từ 1-1,5% như TPBank, Sacombank, LienVietPostBank.

Đáng chú ý, trong quý I này, ngân hàng HDBank cũng thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dù nhà băng này có công ty con về tài chính tiêu dùng (đặc thù tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với ngân hàng). Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của HDBank chỉ ở mức 1,46%. Nếu tách riêng công ty tài chính thì nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ chỉ 1,17%, thuộc nhóm thấp trong ngành.

Các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng

Ảnh hưởng từ đại dịch kéo dài trước đó khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn đối với nợ xấu, do đó nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu ngay trong quý I năm nay.

Một số ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá cao phải kế đến như BIDV với 277%, MB Bank là hơn 250% và Techcombank là hơn 160%.

Trong đó, một ngân hàng đã tăng gấp 3 lần chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 4.426 tỷ đồng trong kỳ này là Vietinbank. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 của nhà băng này đã lên mức gần 200%, tăng mạnh so với mức 180% từ cuối năm 2021.

Trong năm 2022, Vietinbank đặt mục tiêu nợ xấu dưới 1,8%.

TPBank cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng trong 3 tháng đầu năm với mức trích tới 755 tỷ đồng, tăng 93% so với quý 1/2022. Việc tăng trích lập dự phòng đã ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận trước thuế của TPBank, theo đó lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên nếu xét về dài hạn, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ sáng sủa hơn nếu những khoản dự phòng này được hoàn nhập.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19. Thời hạn cuối của thông tư sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022 tới đây, nếu không được gia hạn tiếp thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư này nhiều khả năng sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu gia tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.