Lo ngại thiếu cá tra xuất khẩu

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
20:59 - 19/10/2021
Nuôi cá tra - Ảnh minh hoạ
Nuôi cá tra - Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00

Thời gian qua, hầu hết cá tra trong các ao nuôi đều quá lứa và người dân chưa kịp thả nuôi lứa mới, dẫn đến nguy cơ có thể thiếu nguyên liệu cá tra xuất khẩu cho đến quý 2/2022.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 khu vực ĐBSCL trong những tháng qua diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra tại khu vực này. Hầu hết cá tra trong các ao nuôi đều quá lứa và người dân chưa kịp thả nuôi lứa mới.

Tháng 9/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm đồng loạt so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Mỹ và Ai Cập tăng, xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 9 đạt 22,8 triệu USD, tăng 20,8%; và sang Ai Cập đạt 3,6 triệu USD, tăng 61,7%.

Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị XK cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động với công suất thấp. Ngay cả khi nhà máy phục hồi công suất, giá cá tra vẫn chưa tăng. Người nuôi cá tra đã buộc phải nuôi cá trong ao, cho ăn cầm cự nhằm duy trì khối lượng, kích cỡ cá ở mức phù hợp.

Ngành cá tra Việt Nam đã khó lại thêm khó khi thiếu hụt nguyên liệu kích cỡ 0,8 – 1 kg, đây là size để philê và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, size cá 0,8 – 1 kg có thể thiếu trong thời gian ngắn bởi hiện Việt Nam đã qua mùa thả nuôi chính và cho dù thả nuôi gấp rút cũng không kịp bởi cá tra là loại chậm lớn.

Việc thiếu cá tra size chuẩn sẽ đẩy giá nguyên liệu lên cao, ít nhất là từ nay đến quý II/2022.

Ưu tiên cấp đủ vaccine cho doanh nghiệp cá tra để phục hồi sản xuất

Hiện nay, các nhà máy chế biến cá tra được đánh giá thuộc nhóm doanh nghiệp bị tổn thương đầu tiên và mạnh nhất trong ngành hàng thủy sản. Giải pháp cần kíp nhất lúc này để giúp các doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động trong tình hình bình thường mới là công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Nhận định tình hình trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giao cho Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội cá tra Việt Nam tổng hợp số lao động cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra và các chuỗi nông sản khác, tham mưu với Bộ có văn bản đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia ưu tiên cung cấp đủ vaccine phòng COVID-19 cho địa phương theo nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh vùng ĐBSCL quan tâm thúc đẩy liên kết kinh tế vùng. Coi đây là thực thể kinh tế thống nhất để tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, phối hợp trong các hoạt động kiểm soát phòng chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế.

Các địa phương cần liên kết, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực, xử lý các vướng mắc trong chuỗi ngành hàng cá tra và từ đó nhân rộng sang các chuỗi nông sản khác.

Hướng dẫn người nuôi giảm mật độ nuôi, giảm bớt các chi phí không cần thiết để hạ giá thành, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm.

Đồng thời, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cá tra cũng như các loại nông sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp