Loài mèo trong lịch sử và văn hóa châu Á

Mèo CHÂU Á
11:58 - 24/01/2023
Bức tranh My Wife's Lover của họa sĩ Carl Kahler được vẽ năm 1891.
Bức tranh My Wife's Lover của họa sĩ Carl Kahler được vẽ năm 1891.
0:00 / 0:00
0:00
Trong lịch sử phát triển của loài người, mèo xuất hiện từ rất sớm. Hình ảnh của loài mèo có thể được tìm thấy trong đời sống, trong các tác phẩm hội họa, thơ ca và truyền thuyết, đặc biệt là tại châu Á. 

Trên thực tế, mối quan hệ giữa mèo và người có thể đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ về trước. Theo một giả thuyết, mèo rừng đã sống giữa những người dân vùng Lưỡng Hà khoảng hơn 100.000 năm trước và được thuần hóa bắt đầu từ mốc thời gian năm 12.000 TCN.

Các nghiên cứu khảo cổ học cung cấp bằng chứng cho thấy mèo rừng tại khu vực này là họ hàng gần nhất của mèo nhà hiện đại. Các nông dân vùng Lưỡng Hà có lẽ đã nhân giống loài mèo này lên để kiểm soát các loài gây hại cho mùa màng như chuột.

Các giả thuyết khác cho rằng mèo nhà có nguồn gốc từ loài mèo sống cách đây hàng nghìn năm ở Ai Cập cổ đại. Tại Ai Cập, mèo được coi như những thợ săn bậc thầy và được tất cả người dân, kể cả các pharaoh, tôn thờ như những vị thần. Nếu một người Ai Cập giết một con mèo, họ sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Các Pharaoh được ướp xác và chôn cất cùng với những bức tượng mèo như biểu tượng của sự may mắn và sự đồng hành an toàn khi sang thế giới bên kia.

Tới khi đế chế Ai Cập sụp đổ, mèo được bán cho người Hy Lạp và Ba Tư. Theo truyền thuyết, người Ba Tư cổ đại cũng tin rằng mèo là một sinh vật được tạo ra bởi phép thuật.

Sự phát triển của loài mèo sau đó được mở rộng khi nó được tặng cho các hoàng đế Trung Quốc và dần trở thành một vật nuôi phổ biến của những gia đình giàu có thời nhà Tống. Từ đó, việc nuôi mèo bắt đầu lan rộng tới các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản.

Tác phẩm “Nguồn gốc viên đá mèo tại Okabe trên đường Tokaido” của Utagawa Kuniteru năm 1848 – 1854. Ảnh: Hiraki Ukiyo-e Foundation

Tác phẩm “Nguồn gốc viên đá mèo tại Okabe trên đường Tokaido” của Utagawa Kuniteru năm 1848 – 1854. Ảnh: Hiraki Ukiyo-e Foundation

Nhật Bản, “xứ sở loài mèo”

Không khó để có thể nhìn ra mèo là loài động vật phổ biến tại Nhật Bản. Theo thống kê của Washington Post, người Nhật Bản nuôi tới 10 triệu con mèo và thậm chí còn có một ngày lễ dành riêng cho mèo gọi là Ngày của Mèo hay “Ngày Nyan Nyan Nyan” vào 22/2.

Tuy phổ biến như vậy, mèo không phải là một loài vật bản địa mà được du nhập từ nước ngoài. Cụ thể vào giữa thế kỷ VI, mèo tới Nhật Bản thông qua các con tàu Trung Quốc. Những chú mèo đầu tiên rất hiếm và thường chỉ được nuôi trong những gia đình giàu có.

Tới năm 1602, tất cả mèo được thả tự do để bắt loài gặm nhấm đang phá hủy ngành tơ tằm của đất nước theo lệnh của chính quyền và dần trở nên phổ biến. Mèo cũng được người Nhật thời đó sử dụng để diệt chuột trên tàu, trong trang trại và trong đền thờ.

Trong dân gian và trong truyền thuyết, loài mèo xuất hiện dưới hình dạng các yêu quái, hay yokai, như Bakeneko và Nekomata. Ngoài việc đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống, mèo tại Nhật Bản cũng xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật. Loại hình nghệ thuật phổ biến trong thời kỳ Edo (1603 – 1868) là nghệ thuật ukiyo-e (tranh in và tranh khắc gỗ) bắt đầu ghi nhận mèo là một trong những nguồn cảm hứng.

Trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ và nghệ nhân nổi tiếng là người yêu mèo, ví dụ như bậc thầy của nghệ thuật ukiyo-e là Utagawa Kuniyoshi (1797-1861). Theo các ghi chép để lại, ông yêu thích mèo và thường sống cùng rất nhiều mèo. Nhà điêu khắc nổi tiếng Asakura Fumio (1883 - 1964) hay họa sĩ Hishida Shunsou (1874 - 1911) - người có ảnh hưởng trong việc thiết lập phong cách hội họa “nihonga” trong thời kỳ Minh Trị - là ví dụ về những người yêu mèo.

Mèo cũng là nét đặc trưng trong văn học Nhật Bản. Các tác phẩm có xuất hiện loài mèo của các nhà văn Nhật Bản có thể kể tới là “I am cat” (1905 - 1906) của tác giả Natsume Soseki, Oh Nora (1957) của tác giả Uchida Hyakken, “A Cat, a Man, and Two Women” (1935 - 1936) của tác giả Tanizaki Junichiro hay “Oh Tama” (1986 - 1987) của tác giả Kanai Mieko.

Maneki neko - bức tượng mèo cầu tài nổi tiếng - cũng là một ví dụ về ảnh hưởng của mèo trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật Bản cho rằng bức tượng mèo này sẽ mang lại may mắn cho chủ nhân, đặc biệt là trong việc kinh doanh.

Một chú mèo Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới khác có lẽ là Hello Kitty. Được sáng tạo và sản xuất bởi công ty Nhật Bản Sanrio, Hello Kitty là một chú mèo hoạt hình được thiết kế bởi Yuko Shimizu. Hello Kitty trở nên nổi tiếng lần đầu tiên vào năm 1974 nhờ học sinh mẫu giáo và tiểu học và tiếp tục bùng nổ vào những năm 1980 nhờ các nữ sinh trung học. Sau đó, Hello Kitty trở thành một hiện tượng toàn cầu và xuất hiện cũng nhiều người nổi tiếng như siêu mẫu Naomi Campbell.

Trong truyện tranh, phim ảnh và hoạt hình, mèo là một nguồn cảm hứng lớn. Ra mắt từ năm 1962 bởi tác giả Fujiko Fujio, chú mèo máy Doraemon là tuổi thơ của nhiều người trên toàn thế giới. Ngoài Doraemon, mèo cũng là hình ảnh xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của bậc thầy hoạt hình Hayao Miyazaki và Studio Ghibli như Kiki’s Delivery Service, The Secret World Of Arrietty hay Whisper of the Heart.

Được mệnh danh là xứ sở của loài mèo, Nhật Bản hiện nay có tới 150 tiệm cà phê mèo, những hiệu sách chỉ thu thập sách về chủ đề mèo và cả những hòn đảo mèo như đảo Aoshima - nơi số lượng mèo nhiều gấp 6 lần con người.

Một tác phẩm về trinh nữ thời Kansei cùng mèo của Tsukioka Yoshitoshi năm 1888. Ảnh: Hiraki Ukiyo-e Foundation

Một tác phẩm về trinh nữ thời Kansei cùng mèo của Tsukioka Yoshitoshi năm 1888. Ảnh: Hiraki Ukiyo-e Foundation

Mèo xuất hiện tại Trung Quốc từ 5.000 năm trước

Dù có lịch sử tương đối lâu đời tại Trung Quốc, mèo lại không có mặt trong hệ 12 con giáp tại nước này. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng nguyên nhân tới từ việc chuột không đánh thức mèo vào ngày diễn ra cuộc đua xác định con vật nào sẽ xuất hiện trong số 12 con giáp. Mèo bỏ lỡ cuộc đua và do đó mèo và chuột bắt đầu ghét nhau.

Tuy nhiên một giả thuyết khác cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc mèo chưa phải con vật phổ biến khi 12 con giáp được tạo ra. Theo một số học giả, khái niệm 12 con giáp ra đời vào gần cuối thời Chiến Quốc (475 TCN – 221 TCN) trong khi mèo nhà chỉ thịnh hành ở Trung Quốc sau khi chúng được du nhập từ Trung Đông qua Con đường tơ lụa vào thời Tây Hán.

Nhưng điều này không có nghĩa mèo chưa xuất hiện tại Trung Quốc trước thời điểm đó.

Trong Kinh Thi, tuyển tập thơ cổ nhất của Trung Quốc được biên soạn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 7 TCN và là một cuốn trong bộ Ngũ kinh, có một bài thơ ca ngợi vùng đất phương Bắc trù phú có đủ gấu, mèo và hổ. Dù vậy, mèo chỉ xuất hiện cùng các loài thú hoang dã khác.

Tới Kinh Lễ, một tác phẩm Ngũ kinh khác ghi chép về các phong tục hành chính và nghi lễ tôn giáo của triều đại nhà Chu (1046 TCN – 256 TCN), mèo đã có nhiều mối liên hệ hơn với xã hội Trung Quốc cổ đại. Cụ thể, trong cuốn sách này có đoạn mô tả về lễ cúng thần mèo vào dịp cuối năm.

Đã có nhiều bức tranh khác nhau miêu tả hình ảnh mèo bên cạnh các tiểu thư quyền quý. Ghi chép từ thời nhà Minh (1368 – 1644) còn cho thấy một vị hoàng đế đã đặt biệt danh “Long” cho con mèo yêu thích của mình và chôn cất nó cùng với một chiếc quan tài bằng vàng, tấm bia và tước hiệu khi nó qua đời.

Nhiều bài thơ từ thời Tống (960 - 1279) tới thời Minh cũng miêu tả việc các gia đình thường dân nhận nuôi mèo bằng các lễ vật như cá cho mèo mẹ hoặc một ít muối cho chủ nhân ban đầu. Nhà thơ thời Tống Lục Du ngoài việc nổi tiếng với các tác phẩm mang tinh thần yêu nước cũng được biết tới với tình yêu cho mèo. Ông đã viết nhiều về mèo nhưng chủ đề này ít nổi bật hơn các chủ đề khác.

Những phát hiện khảo cổ học gần đây cũng chỉ ra rằng mèo có thể được thuần hóa tại Trung Quốc sớm nhất là vào năm 3000 TCN, độc lập với sự xuất hiện của mèo từ khu vực Trung Đông. Vào năm 2001, các nhà khảo cổ phát hiện ra xương mèo báo tại các khu định cư nông nghiệp ở các tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam có niên đại từ năm 3500 TCN đến 2900 TCN. Theo các chuyên gia, mèo có thể bắt đầu hình thành quan hệ với con người ngay sau khi nông nghiệp xuất hiện.

Tranh dân gian Đông Hồ "đám cưới chuột".

Tranh dân gian Đông Hồ "đám cưới chuột".

Hệ 12 con giáp ở Việt Nam có mèo

Gần giống với hệ 12 con giáp của Trung Quốc, hệ 12 con giáp của Việt Nam lại có mèo thay cho thỏ. Trên thực tế, có tới 7 con vật gồm trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn và mèo là những con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và trở thành vật nuôi trong nhà.

Có nhiều nguyên nhân cho việc này, Tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu, sự khác biệt giữa mèo và thỏ trong hệ 12 con giáp giữa Việt Nam và Trung Quốc tới từ sự sai lệch trong quá trình truyền bá văn hóa. Trong tiếng Trung, thỏ và mèo đều là 2 từ đồng âm với nhau.

Trong văn hóa Việt Nam và trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 trong năm và từ 5-7 giờ của buổi bình minh mỗi ngày. Vào giờ Mão, bầu trời bắt đầu xuất hiện ánh sáng trong khi tháng Mão báo hiệu khí trời bắt đầu ấm lên với mưa bụi và cây cối đâm chồi nảy lộc. Vì vậy, Mão trong ngũ hành thường gắn với mùa xuân thuộc hành Mộc, ý chỉ dương khí bắt đầu thịnh và vạn vật sáng tươi.

Mặt khác trong đời sống hàng ngày, con mèo tuy không mang lại lợi ích kinh tế như những con khác nhưng nó giúp chủ nhân bắt chuột. Vì vậy, nó vẫn được yêu quý, đặc biệt là khi Việt Nam là nền văn minh lúa nước lâu đời.

Kể từ khi các dòng tranh dân gian ra đời, hình ảnh con mèo bắt đầu đi vào văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Bức tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ có xuất hiện hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ nhưng vẫn phải biếu quà cho mèo.

Ngoài ra, hình ảnh mèo còn được các nghệ sĩ dân gian Việt Nam cho xuất hiện trên các bức chạm khắc ở những nơi tôn nghiêm như đình làng Bình Lục, Quảng Ninh hay cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang, Hải Phòng.

Đọc tiếp