Loạt doanh nghiệp báo lỗ trong quý 1/2022, nhiều cái tên quen thuộc

DOANH NGHIỆP Việt nAM
21:27 - 04/05/2022
Nhà thầu FECON báo lỗ do dự án bị chậm triển khai và chi phí lãi vay phát sinh từ công ty thành viên.
Nhà thầu FECON báo lỗ do dự án bị chậm triển khai và chi phí lãi vay phát sinh từ công ty thành viên.
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh những doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh trong quý 1/2022 thì nhiều công ty cũng ghi nhận lợi nhuận âm, có những cái tên quen thuộc như FLC, HAGL Agrico, Becamex TDC, Fecon…

CTCP Fecon (mã FCN) công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu thuần giảm gần 14% về 502 tỷ đồng do triển khai một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Do giá vốn hàng bán chiếm tới 82% tổng doanh thu, chi phí lãi vay và thuê tài chính tăng trên 60% lên 46 tỷ đồng nên dù doanh thu đạt gấp đôi cùng kỳ (hơn 10,5 tỷ đồng), Fecon vẫn lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng.

Cùng kỳ năm 2021, doanh nghiệp này có lãi hơn 17 tỷ. Năm nay, Fecon đặt mục tiêu lãi kỷ lục 280 tỷ đồng, doanh thu thuần hợp nhất 5.000 tỷ đồng. Như vậy sau quý 1, công ty mới thực hiện được 10% kế hoạch doanh thu.

Công ty Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (mã GAB) - công ty do ông Trịnh Văn Quyết nắm 51,09% cổ phần cũng ghi nhận lợi nhuận âm hơn 1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 340 triệu đồng. Theo lý giải của ban lãnh đạo GAB, thị trường tiêu thụ nông sản bị thu hẹp khiến doanh thu tăng trưởng âm, cộng thêm chi phí hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến công tỷ lần đầu tiên thua lỗ từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Thành lập từ 2016, GAB đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất gạch, bán buôn kim loại, nông sản và vật liệu xây dựng. Công ty đổi tên giữa năm 2019 và niêm yết trên sàn HoSE vài tháng sau đó. Đầu năm 2020, ông Trịnh Văn Quyết trở thành cổ đông lớn khi mua 1,1 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 8,99%. Sau nhiều giao dịch trong tháng 10-11/2020, ông Quyết tăng sở hữu lên 51,09% và giữ nguyên đến hiện tại.

Từ vùng giá 6.000 đồng, cổ phiếu của công ty này tăng dựng đứng lên 140.000 đồng chỉ trong một năm. GAB hiện ở vùng 196.000 đồng nhưng đã mất thanh khoản hoàn toàn từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Trước đó, cổ phiếu này còn khớp lệnh 200-1.000 đơn vị và thoả thuận gần 1 triệu đơn vị mỗi phiên.

Trước GAB, Tập đoàn FLC (mã FLC) cũng báo lỗ sau thuế hơn 465 tỷ đồng trong quý 1/2022, cùng kỳ năm ngoái lãi gần 43 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất của FLC kể từ quý 2/2020. Theo giải trình từ FLC, nguyên nhân thua lỗ là do trong kỳ, công ty thu hẹp mảng kinh doanh thương mại và doanh thu bất động sản giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đồng thời, chi phí tài chính tăng mạnh lên 161 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư. Ngoài ra, FLC còn chịu phải chịu khoản lỗ lên tới 265 tỷ đồng từ các công ty liên doanh - liên kết.

CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC, mã TDC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TDC đạt 137,4 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng chiếm hơn 100 tỷ, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng vọt nên dù thêm khoản doanh thu tài chính 270 triệu đồng, TDC vẫn lỗ 108 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 9,8 tỷ đồng).

Năm 2022, Becamex TDC đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 2.890 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 139 tỷ đồng, lần lượt tăng 96% và 23% so với thực hiện trong năm 2021. Với kết quả kinh doanh trong quý 1 thì chặng đường để doanh nghiệp đến đích còn khá gập ghềnh.

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) đạt 1.146 tỷ đồng doanh thu thuần – cao gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên do doanh thu tài chính giảm, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nên sau khi trừ đi giá vốn, PVD lỗ sau thuế 75 tỷ đồng; cùng kỳ lỗ gần 110 tỷ đồng.

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của PVD đạt 36,5 tỷ đồng, giảm 80% so với thực hiện năm 2020.

Ngoài các doanh nghiệp trên thì nhiều tên tuổi khác tiếp tục góp mặt trong danh sách “lỗ trường kỳ”. Đó là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) với khoản lỗ ròng 112,6 tỷ đồng trong quý 1/2022. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của HAGL Agrico, nâng lỗ luỹ kế lên 3.539 tỷ đồng.

Còn CTCP Hoàng Hà (mã HHG, sàn HNX) có quý báo lỗ thứ 11 liên tiếp kể từ quý 3/2019 với con số âm hơn 16 tỷ đồng. Theo HHG, tình trạng lỗ kéo dài của công ty hiện tại là do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành vận tải cũng như tất cả các mảng mang lại doanh thu khác. Mặt khác, công ty còn chịu ảnh hưởng từ chi phí xăng dầu tăng cao và chi phí khấu hao tài sản cố định được trích định kỳ theo quy định.

CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã VTR) sau quý 4/2021 ngắt mạch thua lỗ thì quý này lại báo lợi nhuận âm 108 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 31/3, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietravel âm 293 tỷ đồng. Công ty cũng bắt đầu bị âm vốn chủ sở hữu khoảng 100 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ vẫn dương gần 8 tỷ.

Năm 2022, Vietravel đặt kế hoạch thu hơn 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5,8 tỷ đồng. Ngày 15/12/2021, Vietravel đã bán 55,58% vốn điều lệ của Vietravel Airlines với giá 867 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính quý 1/2022, Vietravel vẫn chưa thu được khoản tiền chuyển nhượng này.

Chủ hãng kem Tràng Tiền – CTCP Khách sạn Dịch vụ OCH (mã OCH) cũng báo lỗ 33 tỷ đồng trong quý 1, sau quý 4/2021 có lãi trở lại. Trước đó, OCH đã có 3 quý liên tiếp thua lỗ dẫn tới lợi nhuận cả năm 2021 âm 78 tỷ đồng.

Tại phiên họp đại hội cổ đông mới đây, OCH đã chính thức được tiếp quản bởi nhóm cổ đông mới - IDS Equity Holdings - công ty quản lý tài sản rủi ro, chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cổ đông cũng đã thống nhất đổi tên công ty thành One Capital Hospitality. Tại OCH, IDS Equity Holdings không nắm giữ cổ phần nhưng quỹ này đang sở hữu hơn 51% vốn tại Ocean Group - công ty mẹ của OCH.

OCH là nguồn thu chính đóng góp vào kết quả kinh doanh của tập đoàn mẹ với chuỗi resort Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City, Starcity Tây Hồ (Hà Nội), hãng kem Tràng Tiền và hãng bánh Girval tại TP HCM.

Trước thềm huỷ niêm yết, CTCP Quốc tế Hoàng Gia (mã RIC) tiếp tục lỗ 30 tỷ đồng trong quý 1, ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Sau khi lỗ tới 102 tỷ đồng trong năm 2021, RIC dự kiến giảm lỗ xuống còn hơn 36 tỷ đồng trong năm 2022. Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã FTM) báo lỗ sau thuế hơn 47 tỷ đồng. Đây là quý thứ 13 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ.

Theo thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), toàn bộ hơn 28,7 triệu cổ phiếu RIC và 50 triệu cổ phiếu FTM sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn này từ 16/5/2022. Nguyên nhân là do cả 2 công ty này đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021), thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.