Loạt doanh nghiệp bị 'phá game' tăng vốn bằng cổ phiếu do thị trường khó khăn

Cienco4 DIC Corp
22:04 - 04/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, chứng khoán Việt Nam đã trải qua 2 đợt lao dốc mạnh. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tạm hoãn hoặc thay đổi phương án tăng vốn.

HĐQT CTCP Tập đoàn Cienco4 (mã C4G) ngày 27/9 thông qua việc tạm dừng đăng ký chào bán thêm cổ phiếu tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc tạm dừng sẽ duy trì đến khi kết thúc cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 (dự kiến ngày 17/10) để cập nhập một số nội dung liên quan đến kiện toàn cơ cấu quản trị và kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào tháng 4, cổ đông Cienco4 đã thông qua việc chào bán hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng được hưởng 1 quyền, cứ 2 quyền sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới). Giá chào bán bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cp và toàn bộ số cổ phiếu thực hiện theo quyền mua được tự do chuyển nhượng.

Nếu phát hành thành công, Cienco4 sẽ nâng vốn điều lệ từ 2.247 tỷ đồng lên mức 3.371 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến huy động gần 1.124 tỷ đồng dự kiến dùng để thanh toán các chi phí, bổ sung nguồn vốn lưu động; thanh toán các khoản nợ của công ty và thanh toán các khoản công nợ phải trả cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu C4G đang có chuỗi lao dốc 5 phiên gần đây, từ mức 13.400 đồng/cp (phiên 28/9) về mức 10.800 đồng/cp (kết phiên 4/10), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 2,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu C4G lao dốc về sát mệnh giá.

Cổ phiếu C4G lao dốc về sát mệnh giá.

CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã ASM) ngày 24/9 thông báo hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ngày 8/6/2022. Lý do là do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.

Trước đó, Tập đoàn Sao Mai dự tính phát hành thêm hơn 168 triệu cổ phiếu với tỷ lệ phát hành là 50% so với số cổ phiếu đang lưu hành. Dự tính giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị hơn 2.019 tỷ đồng. Qua đó, quy mô vốn điều lệ của Sao Mai sẽ tăng lên gần 5.048 tỷ đồng. Mục đích chính của đợt phát hành cổ phiếu này là đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác và bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh.

Tại điều lệ công ty năm 2022, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh như nuôi trồng, chế biến thủy sản, Tập đoàn Sao Mai còn mở rộng thêm các dự án về kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu ASM giảm 2,05% xuống 14.300 đồng/cp. So với vùng đỉnh 26.000 đồng hồi tháng 4/2022, mã này đã giảm 45%.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức 14/10, CTCP Louis Capital (mã TGG) trình cổ đông hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư (đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022). Nguyên nhân là do HĐQT nhận thấy phương án phát hành này không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Theo phương án đã được cổ đông thông qua, TGG có kế hoạch thực hiện 2 đợt huy động vốn, một là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, hai là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ở cả 2 đợt huy động, công ty đều dự kiến phát hành hơn 27 triệu cổ phiếu với giá 12.500 đồng/cp. Ước tính, TGG có thể thu về tối đa hơn 341 tỷ đồng ở mỗi đợt phát hành.

Về mục đích sử dụng vốn, đối với đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, công ty sẽ dùng toàn bộ số vốn huy động để đầu tư nắm hơn 90% vốn cổ phần của CTCP Louis Mega Mall. Tổng mức đầu tư dự kiến là 350 tỷ đồng. Louis Mega Mall tiền thân là chuỗi trung tâm thương mại của Nguyễn Kim và đã được đổi tên sau khi chính thức chuyển nhượng cho TGG.

Còn với phần vốn từ đợt phát hành riêng lẻ, TGG dự kiến dùng hơn 285 tỷ đồng để mua lại hơn 70% số lượng cổ phần CTCP Sợi Việt Phú, số còn lại sẽ được đưa vào vốn lưu động của TGG.

TGG và nhóm doanh nghiệp họ Louis liên tục gặp bất lợi sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu.
TGG và nhóm doanh nghiệp họ Louis liên tục gặp bất lợi sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu.

Cổ phiếu TGG hiện giao dịch ở vùng giá 3.800 đồng/cp. So với mức đỉnh 69.000 đồng hồi tháng 9/2021, cổ phiếu này đã giảm tới 94% giá trị.

Ngoài 3 doanh nghiệp trên, hàng loạt công ty khác cũng huỷ, tạm dừng hoặc điều chỉnh kế hoạch tăng vốn với kỳ vọng thấp hơn. CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (mã LDP) hủy phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 10.000 đồng/cổ phiếu với lý do không còn phù hợp tình hình hiện tại.

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC) dừng triển khai việc chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng đã được thông qua ngày 10/12/2021 do HĐQT nhận thấy việc thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chưa cần thiết.

Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (mã CKG) tạm dừng kế hoạch phát hành hơn 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc tạm dừng chưa được công bố lý do cụ thể.

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra ngày 12/10 tới đây, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) dự kiến trình xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch phát hành thành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ gần 16,4%. Giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng đầu tư vào dự án khu đô thị du lịch Long Tân.

Đây đã là lần thứ hai DIC Corp điều chỉnh kế hoạch chào bán cổ phiếu. Theo kế hoạch ban đầu, công ty dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với đơn giá 30.000 đồng. Ở lần điều chỉnh thứ nhất, công ty nâng số lượng chào bán lên 150 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng.

Việc điều chỉnh kế hoạch phát hành này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DIG liên tục giảm mạnh và đã "bốc hơi" khoảng 70% giá trị so với đỉnh đạt được hồi tháng 1/2022. Hiện thị giá DIG đã rơi về dưới ngưỡng 30.000 đồng, gấp đôi giá chào bán cho cổ đông hiện hữu ở lần điều chỉnh gần nhất.

DIG hiện lùi về mức giá dưới 30.000 đồng.

DIG hiện lùi về mức giá dưới 30.000 đồng.

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) cũng hạ giá và giảm lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường (dự kiến tổ chức vào tháng 11), công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 58 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 580 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra đầu năm, công ty đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.440 tỷ đồng.

So với tờ trình ĐHĐCĐ bất thường sắp tới và ĐHĐCĐ đầu năm, Nhà Thủ Đức đã hạ giá bán và giảm lượng cổ phiếu chào bán; đồng thời đổi mục đích sử dụng vốn hợp tác từ dự án Khu dân cư Đông Trung tại xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương (do CTCP Bất động sản Đông Trung làm chủ đầu tư) sang Khu dân cư Nhã Đạt tại ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Nhã Đạt).

VN-Index dò đáy mới

Việc các doanh nghiệp dừng, tạm hoãn, thay đổi kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán không còn nhiều thuận lợi, thanh khoản sụt giảm, dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường khi lãi suất huy động tăng.

Nhìn lại 9 tháng qua, VN-Index khởi sắc trong quý 1 và tạo vùng đỉnh trên 1.500 điểm, nhưng sau đó liên tục giảm sâu và chạm đáy 1.149 điểm vào phiên 6/7. Trong tháng 7 và 8, chứng khoán Việt Nam tạo vùng cân bằng và phục hồi lên sát mốc 1.300 điểm, tuy nhiên sang tháng 9, xu hướng giảm điểm lại tiếp tục và còn rơi nhanh, mạnh hơn đợt trước.

Nguyên nhân đến từ việc chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm từ 23/9.

Sau 2 phiên mở màn tháng 10 tiêu cực, chỉ số đã rơi xuống dưới vùng 1.100 điểm. Kể từ đầu năm nay, tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm hơn 2,05 triệu tỷ đồng. Riêng vốn hóa sàn HoSE mất gần 1,5 triệu tỷ đồng. Mức giảm ghi nhận trên sàn HNX và thị trường UPCoM là 225.883 tỷ đồng và 312.874 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp