Logistics và chế biến sâu mang tính sống còn cho xuất khẩu xoài Sơn La

XUẤT KHẨU Sơn La
06:50 - 19/05/2022
Logistics và chế biến sâu mang tính sống còn cho xuất khẩu xoài Sơn La
0:00 / 0:00
0:00
Sơn La là một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, do logistics và khả năng chế biến sâu chưa phát triển nên đang gây khó khăn cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là xoài của tỉnh miền núi Tây Bắc này. 

Vụ mùa năm 2022, Sơn La có gần 20.000 ha trồng xoài, sản lượng dự kiến đạt trên 82.600 tấn, dự kiến thu hoạch từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 8. Tỉnh đã trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với một số loại trái cây được ưa chuộng như xoài, mận hậu, mận hậu rubi, nhãn...

Hiện Sơn La đã có 220 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.800 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand… Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, UBND tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản vào ngày 21/5 tới.

Trao đổi về giải pháp đầu ra cho nông sản Sơn La, bà Hà Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Quản trị, Đại học Hoa Sen phân tích rằng, muốn tìm đầu ra cho xuất khẩu cần quan tâm đến chất lượng hơn nữa, đảm bảo nông sản vẫn còn tươi ngon khi đến tay khách hàng và tối ưu hóa hoạt động của chuỗi logistics.

Theo bà Oanh cần phát triển mối liên kết "5 Nhà" gồm: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà phân phối - Nhà tiêu dùng. Mỗi chủ thể đều có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu thụ nông sản Việt Nam nói chung và trái cây Sơn La nói riêng.

Bà Hà Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Quản trị, Đại học Hoa Sen.

Bà Hà Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Quản trị, Đại học Hoa Sen.

Theo đó, về phía Nhà nước, cần đặc biệt chú trọng các chương trình kết nối giao thông giữa Sơn La với Lào Cai, do Sơn La có địa hình, địa chất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, dù đã có các các chương trình thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông miền núi của Chính phủ và tỉnh Sơn La nhưng chưa nhiều hiệu quả vì mới ở giai đoạn đầu.

Vì vậy, doanh nghiệp và người dân cần tận dụng lợi thế của tỉnh giáp ranh Lào Cai với những dự án giao thông thuận tiện như tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), nhằm kết nối các tuyến vận chuyển hàng hóa đến các địa phương trong nước và với tuyến đường sắt chở hàng đi 13 nước châu Âu. Qua đó có thể đẩy mạnh việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Trong hoàn cảnh Sơn La đang trong quá trình khởi đầu vươn tới thị trường rộng lớn hơn, rất cần sự góp mặt của Nhà nước hoặc các hợp tác xã thương mại, với vai trò định hướng và thực hiện một chương trình thu mua hàng nông sản với quy mô lớn trên toàn tỉnh, khắc phục tình trạng thương lái thao túng thị trường trái cây của Sơn La như hiện nay.

Theo bà Oanh, các nhà khoa học cũng cần vào cuộc hỗ trợ Sơn La với các chương trình ứng dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản quả tươi nhằm giúp thời gian bảo quản sản phẩm trên 20 ngày, mới đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa đi xa.

Hiện trái cây Sơn La, đặc biệt là mận, xoài, nhãn vẫn chỉ là chế biến thô như sấy khô, sấy dẻo, làm rượu với công nghệ giản đơn, bao bì kém hấp dẫn… nên lượng hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nước ngoài kể cả trái cây tươi và chế biến mới chỉ đạt khoảng vài chục tấn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp và nhà nông của Sơn La cũng đang tích cực tham gia vào việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), số hóa các chương trình bán hàng nông sản, nên rất cần sự chung tay của các nhà khoa học trong việc xây dựng các phần mềm hiệu quả để đẩy mạnh bán hàng qua các kênh TMĐT.

Về phía nhà nông, hiện Sơn La có lợi thế về thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp cho các loại cây đặc sản trên vùng đất dốc. Tuy nhiên việc đảm bảo độ màu cho đất, cùng với các biện pháp khác phải được các nhà khoa học và Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn chú ý ngay từ sớm. Việc này sẽ đảm bảo việc sản xuất và trồng cây ăn quả của Sơn La được duy trì và trở thành một ngành sản xuất bền vững, tránh tình trạng khai thác các điều kiện tự nhiên quá mức, khiến cho khả năng phát triển trong tương lai bị ảnh hưởng.

Nông sản cũng như các loại hàng hóa khác, kênh phản hồi từ người tiêu dùng luôn là kênh hiệu quả nhất để đánh giá về chất lượng sản phẩm để nhà sản xuất cải thiện. Các kênh xã hội hiện nay là môi trường thuận tiện để nhà sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước của Sơn La dễ dàng cập nhật ý kiến của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để các kênh phản hồi của người tiêu dùng mang ý nghĩa tích cực trong việc quảng bá hàng nông sản Sơn La, cũng cần phải có “chiến lược định hướng” tốt với sự hỗ trợ của các chuyên gia IT giỏi về lĩnh vực này, nhằm vừa có thể thu thập thông tin vừa lan tỏa những đặc của Sơn La bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 sẽ là cơ hội để quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, nhất là các loại trái cây đặc trưng của địa phương trên đa dạng các thị trường.

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 sẽ là cơ hội để quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, nhất là các loại trái cây đặc trưng của địa phương trên đa dạng các thị trường.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ xuất khẩu Xoài và nông sản Tỉnh Sơn La được tổ chức ngay trước thời gian chào mừng sự kiện Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam được tổ chức tại TP Sơn La từ ngày 28/5 đến 1/6/2022. Đây là một nội dung nằm trong dự thảo Kế hoạch tổ chức Hội nghị "Thủ tướng đối thoại với nông dân và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022".

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động, như: Triển lãm “Con đường nông sản”, “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP – vươn ra thế giới”; “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; Ngày hội hàng Việt tại Tây Bắc; Không gian văn hóa “Ẩm thực Tây Bắc”; thi tạo hình nghệ thuật từ hoa và trái cây; thi món ngon chế biến từ trái cây; thi ảnh đẹp về trái cây; Hội nghị kết nối tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022…

Đây sẽ là dịp để tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố trên cả nước giao lưu văn hóa, kinh tế, thúc đẩy phát triển du lịch sau dịch Covid-19, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, nhất là các loại trái cây đặc trưng của địa phương trên đa dạng các thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp