Lợi nhuận Coteccons tiếp tục phá đáy, lỗ nặng khi đầu tư cổ phiếu MWG

Coteccons Xây dựng
17:49 - 31/01/2023
 Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons.
Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons.
0:00 / 0:00
0:00
Coteccons lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng nhờ khoản lợi nhuận khác nên công ty vẫn lãi ròng gần 21 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 14% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi hoạt động.

CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) ghi nhận 6.230 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 4/2022, gấp đôi so với cùng kỳ 2021. Biên lãi gộp rất mỏng chỉ ở mức 2,8%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 172 tỷ đồng, vẫn khả quan hơn nhiều so với con số âm gần 3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính giảm 17% xuống còn 70 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng gấp 6,3 lần lên hơn 59 tỷ đồng. Chi phí doanh nghiệp cũng duy trì ở mức cao gần 183 tỷ đồng khiến Coteccons lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 7 tỷ đồng.

Lợi nhuận khác dù giảm 17% so với cùng kỳ xuống mức 34 tỷ đồng nhưng vẫn là cứu cánh giúp doanh nghiệp thoát lỗ quý 4. Khoản mục này chủ yếu đến từ hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn thực tế phát sinh và hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình. Kết quả, Coteccons lãi ròng gần 19 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với số lỗ hơn 63 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh. Tuy nhiên giá vốn bán hàng và chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 54 tỷ đồng.

Vẫn nhờ khoản lợi nhuận khác (88 tỷ đồng), Coteccons lãi ròng gần 21 tỷ đồng trong năm 2022, giảm gần 14% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi hoạt động.

Đáng chú ý, dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm 2022 của Coteccons lại âm đến 1.626 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn dương 421 tỷ. Nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh các khoản phải thu và tồn kho.

Để bù đắp dòng tiền, CTD tăng vay nợ khiến lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính dương 1.072 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư cũng dương 733 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 680 tỷ đồng, nhờ tiền thu hồi cho vay, bán công cụ nợ của các đơn vị khác.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Coteccons đã tăng 26% so với đầu năm lên mức gần 19.000 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11.231 tỷ đồng, chủ yếu từ khách hàng và đã được doanh nghiệp trích lập dự phòng 1.049 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và CTCP Đầu tư Minh Việt.

Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của CTD trị giá gần 2.100 tỷ đồng, khoản đầu tư trái phiếu gần 567 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Coteccons còn dành gần 249 tỷ tiền nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Các khoản đầu tư lớn trong danh mục gồm chứng chỉ quỹ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ đồng), FPT (hơn 28 tỷ đồng) và MWG (gần 26 tỷ đồng), cùng các cổ phiếu khác. Coteccons phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ đồng cho khoản đầu tư chứng khoán, riêng MWG ghi nhận lỗ 35%.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả là 10.750 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 57% tổng nguồn vốn. Khoản tăng mạnh là phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn.

Vay nợ ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 1,7 tỷ đồng lên 553 tỷ đồng. CTD còn phát sinh khoản vay dài hạn 524 tỷ đồng. Đây chủ yếu là phần nợ từ lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng có ngày đáo hạn vào tháng 1/2025, lãi suất cố định 9,5%/năm. Trong năm 2022, công ty phải chịu chi phí lãi vay 79 tỷ đồng, trong khi năm 2022 chỉ số tài chính này chỉ là hơn 1 tỷ đồng.

Trong buổi giao lưu với cổ đông giữa tháng 1, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons nhìn nhận, 2022 là một năm không dễ dàng gì, thậm chí là rất chật vật với Coteccons. Giá nguyên vật liệu tăng tới 25%, trong đó giá thép, giá bê tông tăng một cách chóng mặt, qua đó đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty.

Tuy nhiên ông Bolat Duisenov tin rằng từ năm 2023 kết quả của công ty sẽ tốt hơn, giá trị backlog (đơn đặt hàng trước) của năm 2023 là 17.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.