Lợi nhuận của VPS, ‘quán quân’ môi giới chứng khoán vẫn tăng nhẹ năm 2022

VPS CHỨNG KHOÁN
09:16 - 23/01/2023
VPS đang giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu.
VPS đang giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính như VNDirect, SSI, VIX, TCBS... đều ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh so với năm 2021 thì VPS – “quán quân” thị phần môi giới vẫn tăng trưởng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Chứng khoán VPS (mã chứng khoán VPBS, sàn OTC) đạt doanh thu hoạt động 1.412 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ với gần như toàn bộ các mảng kinh doanh đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Là “quán quân” về thị phần môi giới trong nhóm các công ty chứng khoán nên nghiệp vụ môi giới vẫn là mảng đóng góp nhiều nhất vào doanh thu hoạt động với 550 tỷ đồng, nhưng con số này giảm 50% so với cùng kỳ.

Thực tế, dù vẫn giữ “ngôi vương” nhưng so với quý liền trước, thị phần của VPS đã giảm ở cả ba sàn. Trên sàn HoSE , thị phần của công ty giảm mạnh từ 18,71% xuống còn 14,81%. Còn ở sàn HNX, thị phần giảm 0,81%.

Mảng đóng góp lớn thứ 2 trong doanh thu hoạt động là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng giảm 57%, đạt 514 tỷ đồng. Mảng tư vấn tài chính doanh thu kỳ này chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm 93%. Doanh thu lưu ký là mảng hiếm hoi có tăng trưởng với mức tăng 15% lên 16,3 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của VPS cũng giảm hơn 52% so với cùng kỳ, xấp xỉ 1.121 tỷ đồng. Kết quả, VPS báo lãi sau thuế quý 4/2022 đạt 74 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, dù doanh thu hoạt động giảm 11% xuống 8.440 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn tăng nhẹ gần 1%, đạt 804 tỷ đồng.

VPS vượt qua SSI để leo lên vị trí số 1 về môi giới cổ phiếu từ năm 2021, với việc bỏ ra chi phí lớn để thu hút khách hàng. Năm 2021, công ty này đạt tổng doanh thu cao nhất ngành chứng khoán với 9.765 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 796 tỷ đồng, kém xa các đối thủ.

Nhìn vào con số doanh thu và lợi nhuận năm 2022 thì có thể thấy VPS vẫn đang đầu tư lớn cho việc giữ thị phần. Chi phí hoạt động của công ty trong cả năm lên tới hơn 6.700 tỷ đồng, mặc dù giảm so với 2021 nhưng cũng “ngốn” gần hết phần doanh thu.

Dư nợ margin giảm mạnh, tăng nắm giữ tiền mặt

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của VPS đạt 20.215 tỷ đồng, giảm hơn 6.600 tỷ đồng so với số đầu năm. VPS đã bán toàn bộ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, trong khi số dư đầu năm là 2.311 tỷ đồng.

Dư nợ margin cấp cho các khách hàng cũng chỉ còn 6.170 tỷ đồng, giảm gần 4.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và giảm 2.300 tỷ đồng trong riêng quý 4. Cùng với đó, các khoản phải thu cũng giảm xuống mức 259 tỷ đồng trong khi số đầu năm là 2.117 tỷ đồng, phần lớn nhờ thu hồi được khoản phải thu bán các tài sản tài chính.

Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL của VPS đạt 3.756 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là công cụ thị trường tiền tệ.

Ở chiều ngược lại, VPS tăng tích trữ tiền gửi dưới 3 tháng có tính thanh khoản cao. Chỉ trong 3 tháng cuối năm, tiền và tương đương tiền đã tăng 8.070 tỷ đồng lên 9.191 tỷ đồng; còn so với đầu năm thì khoản này tăng gần 3.000 tỷ đồng.

Về nợ phải trả, vay ngắn hạn của VPS tại thời điểm cuối năm xấp xỉ 10.840 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa nguồn vốn của công ty. Con số này giảm gần 4.400 tỷ đồng so với đầu năm nhưng cao hơn nhiều mức 7.750 tỷ đồng cuối quý 3. Như vậy, VPS đã tăng vay nợ trở lại trong quý 4.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.