Lợi nhuận ròng FPT tăng trưởng 21%, thị trường trong nước gặp trở ngại ngắn hạn

FPT CÔNG NGHỆ
11:17 - 20/04/2023
FPT duy trì tăng trưởng 2 con số. Ảnh: Phạm Ngọc
FPT duy trì tăng trưởng 2 con số. Ảnh: Phạm Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
3 tháng đầu năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 11.681 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.121 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế 1.810 tỷ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.494 tỷ; tăng lần lượt 18% và 21% so với quý I/2022. Thông tin theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của CTCP FPT (mã FPT) vừa công bố.

Năm 2023, FPT đặt kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ, tăng lần lượt 19% và 18% so với kết quả năm 2022. Như vậy sau quý đầu năm, tập đoàn đã đạt được 22% mục tiêu doanh thu và 23% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% doanh thu và 43% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn, đạt 6.843 tỷ đồng và 906 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tại nước ngoài đạt 5.435 tỷ đồng, tăng 32%, lợi nhuận trước thuế đạt 889 tỷ đồng, tăng 33%. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt thị trường Nhật Bản tăng 31% so với cùng kỳ; châu Á – Thái Bình Dương tăng 66%, nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số tăng cao. Doanh thu chuyển đổi số đạt 2.103 tỷ đồng, tăng trưởng 28%.

Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 10.165 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng đóng góp doanh thu trên 1 triệu USD đạt 48 khách hàng, tăng trưởng 55%.

Tháng 4, FPT vừa mở Trung tâm chiến lược phần mềm tại thành phố Nam Ninh nhằm đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực công nghệ ô tô và sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc và trên toàn cầu, đồng thời phát triển tệp khách hàng mới trong các lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng, chăm sóc sức khỏe.

Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 1.407 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, giảm 8% và 80% so với cùng kỳ.

FPT cho hay thị trường trong nước gặp trở ngại ngắn hạn trong quý 1 do khối doanh nghiệp còn gặp khó khăn, dẫn đến sụt giảm nhu cầu đầu tư cho CNTT. Công ty tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, tỉnh thành, bộ ban ngành, khối doanh nghiệp nước ngoài và các ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo tăng trưởng. Trong quý 1, FPT đã triển khai thành công Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho TP Hà Nội và Cổng thông tin xúc tiến đầu tư cho tỉnh Khánh Hòa.

Doanh thu khối viễn thông tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.790 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 3%, đạt 724 tỷ đồng. Lợi nhuận khối viễn thông tăng trưởng thấp chủ yếu do sụt giảm nhu cầu mảng quảng cáo trực tuyến.

Nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng giáo dục của FPT tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.412 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2023, FPT có tổng tài sản hơn 50.700 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có gần 17.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi tại ngân hàng.

Nợ phải trả của FPT ghi nhận gần 23.700 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm hơn 12.000 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 300 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.