Lợi nhuận tăng 15%, Dược phẩm Vidipha hoàn thành 81% kế hoạch năm

dược phẩm Vidipha
12:56 - 26/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
9 tháng năm 2022, Dược phẩm Vidipha ghi nhận doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với cùng kỳ 2021 dù chi phí hàng bán tăng cao. 

CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (HoSE: VDP) công bố BCTC quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 251 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 28% lên 182 tỷ đồng và chi phí bán hàng tăng mạnh 169% từ 13 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng.

Ngoài ra, quý này công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 62% nhưng chi phí hoạt động tài chính cũng tăng gấp 2,7 lần từ 3,8 tỷ đồng lên 10,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 20,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 16,1 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Vidipha ghi nhận doanh thu thuần đạt 730 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng tăng 28% lên 524 tỷ đồng và chi phí bán hàng tăng 88% lên 109 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 9,5% lên 23 tỷ đồng và chi phí hoạt động tài chính tăng 87,5% lên 19,5 tỷ đồng. Sau khi cân đối, lợi nhuận trước thuế của Vidipha tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2021, lên 66,4 tỷ đồng.

Năm 2022, Vidipha đặt mục tiêu doanh thu đạt 956,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 82 tỷ đồng. Hết tháng 9, công ty đã hoàn thành 76,4% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch lợi nhuận.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Vidipha tại ngày 30/9 là 1.095 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với hồi đầu năm. Cấu phần tài sản chính là hàng tồn kho 340 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 289 tỷ đồng, tài sản dài hạn 305 tỷ đồng…

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty tăng nhẹ 5% lên 470 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 256 tỷ đồng, khoản phải trả ngắn hạn khác 59 tỷ đồng, khoản phải trả người bán ngắn hạn 46 tỷ đồng…

Công Ty Phát triển Kỹ nghệ Dược Trung ương (VIDIPHA) trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam được thành lập năm 1993, với chức năng sản xuất kinh doanh dược phẩm phục vụ cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân.

Năm 2003, công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Dược Phẩm Trung Ương VIDIPHA với tổng số vốn là 19,9 tỷ đồng trong đó nhà nước nắm giữ 45% vốn điều lệ. Tới năm 2011, để mở rộng sản xuất và đầu tư dự án cao ốc tại 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi, công ty đã tiến hành bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu thưởng, nâng tổng số vốn của công ty lên 82 tỷ đồng.

Cổ phiếu VDP đang bắt đầu chứng kiến một đà tăng nhẹ sau quá trình giảm dần kéo dài gần 6 tháng với mức giá biến động mỗi phiên không quá lớn. Ảnh: TradingView

Cổ phiếu VDP đang bắt đầu chứng kiến một đà tăng nhẹ sau quá trình giảm dần kéo dài gần 6 tháng với mức giá biến động mỗi phiên không quá lớn. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VDP đang bắt đầu chứng kiến một đà tăng nhẹ sau quá trình giảm dần với mức giá biến động mỗi phiên không quá lớn, kéo dài trong gần 6 tháng, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9. Kết phiên giao dịch sáng 26/10, cổ phiếu VDP không ghi nhận giao dịch và đứng giá ở 33.400 đồng/cp, tương đương vốn hóa 562,2 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.