Lợi thế và thách thức của ‘đại gia thép’ trong cuộc đua bất động sản

DOANH NGHIỆP Việt nAM
15:51 - 17/03/2022
Chủ tịch Trần Đình Long đang chuyên tâm với "trận đánh lớn" bất động sản.
Chủ tịch Trần Đình Long đang chuyên tâm với "trận đánh lớn" bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
Hoà Phát là doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt số một trên thị trường năm 2021 với hơn 40.000 tỷ đồng. Đây chính là lợi thế để đại gia thép dồn lực phát triển mảng bất động sản, nhưng cũng phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ các bài học trong quá khứ.

“Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản”. Đó là khẳng định của Chủ tịch Trần Đình Long tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, khi thể hiện quyết tâm lấn sân sang mảng địa ốc. Phân khúc bất động sản mà tập đoàn hướng đến đó là bất động sản khu công nghiệp, đại đô thị, sân golf.

Trên thực tế, Hòa Phát đã sớm tham gia thị trường bất động sản với việc thành lập CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát từ cuối tháng 9/2001. Dự án ghi dấu ấn đầu tiên là Mandarin Garden (Cầu Giấy, Hà Nội), triển khai từ năm 2009. Sau đó là các dự án Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3 ha) tại 493 Trương Định (Cầu Giấy), Khu chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai); khai thác hạ tầng kỹ thuật một số Khu công nghiệp như Phố Nối A (600 ha), Yên Mỹ II (giai đoạn 1 là 97,5 ha) tại Hưng Yên; Hòa Mạc – Hà Nam (131 ha).

Tuy nhiên, do tập trung cho mảng thép và nội thất nên doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long chưa thực sự thành công trong lĩnh vực địa ốc. Bắt đầu từ cuối năm 2020 đến nay, Hoà Phát mới tái khởi động năng lượng để tham gia vào “đường đua” vốn thu hút đại đa số giới siêu giàu Việt.

Đầu tiên là lập ra Công ty CP Phát triển Bất động sản Hoà Phát với mục tiêu hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp liên tục tham gia vào các cuộc đua săn quỹ đất với loạt dự án từ khu đô thị đến khu công nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam.

Mới đây nhất, doanh nghiệp đề xuất đầu tư loạt dự án lớn tại Quảng Ngãi với quy mô hơn 1.500 ha. Cụ thể là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 3 (312 ha), Ferro hợp kim sắt (300 ha), khu công nghiệp (800 ha), hệ thống cảng và khu hậu cần phục vụ Khu liên hợp 3 và các dự án vệ tinh (113,5 ha)...

Toàn cảnh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Toàn cảnh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Tại Khu Kinh tế Dung Quất, Hoà Phát đang thực hiện đầu tư 6 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 149.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 với diện tích trên 340 ha, công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 trên diện tích gần 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép dẹt/năm, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng; Bến cảng tổng hợp – Container Hòa Phát Dung Quất, tổng vốn đầu tư hơn 3.774 tỷ đồng; dự án khách sạn The Harmonia, tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng…

Cũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát - công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đã đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị dịch vụ Nam Châu Ổ - Bình Long, huyện Bình Sơn.

Cuối năm 2021, Hoà Phát kết hợp cùng KDI Holding đề xuất quy hoạch nhiều dự án tại tỉnh Khánh Hoà: Phân khu hai bên bờ Sông Cái và phát triển dự án tại thành phố Nha Trang; đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ninh Xuân tại thị xã Ninh Hoà, quy mô 1300ha; Dự án Khu đô thị dịch vụ và Sân Golf tại thị xã Ninh Hoà, quy mô 1500ha.

Tại quê hương Hải Dương của Chủ tịch Trần Đình Long, Hoà Phát đề xuất dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385 ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) và xã Hồng Đức (Ninh Giang).

Còn tại Cần Thơ, doanh nghiệp được địa phương chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu, đề xuất ba dự án bao gồm: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp khoảng 452 ha tại quận Bình Thủy; khu đô thị thương mại - dịch vụ 88,2 ha (gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; khu đô thị thương mại - dịch vụ 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Lợi thế "tiền tươi"

Lợi thế của Hoà Phát khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản đó chính là có nhiều tiền mặt. Theo thống kê tại thời điểm 31/12/2021, có 20 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền trên 10.000 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong số đó, Hòa Phát từ vị trí thứ 3 năm ngoái đã vươn lên vị trí số 1 năm nay, với lượng tiền hơn 40.000 tỷ đồng.

Vì vậy ngay trong tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long đã ký ban hành Nghị quyết phê duyệt tăng vốn góp tại Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát thêm 3.300 tỷ đồng. Sau khi được tăng thêm, vốn điều lệ của Bất động sản Hòa Phát dự kiến sẽ tăng từ 2.700 tỷ lên 6.000 tỷ; trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,967%.

Ở mức 6.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của Bất động sản Hòa Phát sẽ lớn hơn hàng loạt doanh nghiệp địa ốc có tên tuổi trên sàn chứng khoán như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land)…

Hoà Phát gia nhập thị trường địa ốc từ lâu nhưng chưa ghi nhiều dấu ấn.

Hoà Phát gia nhập thị trường địa ốc từ lâu nhưng chưa ghi nhiều dấu ấn.

Mặc dù vậy, “đại gia” ngành thép cũng không phải không có thách thức khi dồn lực cho cuộc chơi bất động sản. Vì ngành địa ốc hiện tại đã hội tụ rất nhiều các “tay chơi” sừng sỏ. Chiến lược săn quỹ đất, phát triển dự án, bán hàng… là những việc mà Hoà Phát cần đầu tư hơn để cạnh tranh với các đối thủ. Đặc biệt là khi trong đầu tư bất động sản, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long từng bị đánh giá là quá "non tay" trong chiến lược kinh doanh và phát triển sản phẩm...

Đó là khi mở bán dự án Mandarin Garden vào năm 2010 với mức giá 45 triệu đồng/m2. Hai năm sau đó, Hòa Phát đã giảm mạnh giá bán, chỉ còn từ 29 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm nội thất đầy đủ) đến 35 triệu đồng/m2 (với căn hộ có nội thất đầy đủ). Việc giảm sâu giá bán cho thấy sự bất hợp lý trong việc định giá bán, giá trị căn hộ của doanh nghiệp. Dự án được mở bán ở thời điểm thị trường bất động sản gần như “đóng băng” nhưng mức giá đưa ra quá cao, không phù hợp với bối cảnh thị trường. Không bán được hàng, doanh nghiệp tiếp giảm “sốc” làm giảm giá trị sản phẩm, giảm uy tín, thương hiệu chủ đầu tư.

Tại dự án Mandarin Garden 2, Hoà Phát cũng trầy trật trong mảng bán hàng khi ra mắt thị trường từ năm 2016, bàn giao từ năm 2018 nhưng đến năm 2020 mới bán hết căn hộ. Dự án này còn từng bị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội kết luận vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC), đưa dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.