Lý do tổ chức tín dụng thận trọng khi cho vay vốn

NGÂN HÀNG Việt nAM
19:57 - 01/10/2021
Lý do tổ chức tín dụng thận trọng khi cho vay vốn
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS.Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: "Tác động của COVID-19 đến các tổ chức tín dụng có độ trễ. Hiện, ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay nhưng nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng là người chịu ảnh hưởng".

Tại diễn đàn chính sách trực tuyến "Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn” sáng 01/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp theo tinh thần Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp các tổ chức tín dụng đã nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ nhằm tăng lợị nhuận.

TS.Nguyễn Quốc Hùng cho hay, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn từ tiền của các ngân hàng, không có nguồn lực nào khác. Nên quy định doanh nghiệp có nợ xấu không được vay vốn cần tiếp cận từ 2 phía, nhất là khi lĩnh vực ngân hàng rất nhạy cảm. Nếu doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vẫn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì nên chia sẻ ngược lại với các ngân hàng. Doanh nghiệp nếu có nợ xấu, nhưng chứng minh được khả năng phục hồi, trả được nợ thì ngân hàng có thể xem xét cấp tín dụng.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì, những khó khăn đang khiến dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã gần như cạn kiệt. Tác động của COVID-19 đến các tổ chức tín dụng có độ trễ, hiện ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay nhưng nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng là người chịu ảnh hưởng. Vì thế, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực và điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thì chính sách phải dài hạn.

Về nguồn lực cho tín dụng, TS.Nguyễn Quốc Hùng cho hay, chính sách tiền tệ đã sử dụng hết khả năng, nên cần sự vào cuộc của chính sách tài khóa. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu, vay từ ngân hàng trung ương như các quốc gia khác… để có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

TS.Nguyễn Quốc Hùng đã so sánh khủng hoảng dịch bệnh năm 2021 với khủng hoảng suy thoái toàn cầu năm 2009, khi đó Chính phủ đã có gói hỗ trợ nền kinh tế lên tới 145.000 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp lên đến 1 tỷ USD. Nhưng hậu quả là phải thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vào năm 2014. Vì vậy, theo TS.Nguyễn Quốc Hùng, chính sách phải đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi của hội viên khi giải quyết tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng rất không mong muốn để lại khoản nợ xấu khổng lồ trong vài năm nữa, các ngân hàng lại lo ngại mang danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

”Chính vì những lo lắng như thế nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng khi cho vay vốn. Nên để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành cơ chế, chính sách, đừng đặt doanh nghiệp là đối tượng, phải coi họ là đối tác. Hơn nữa, việc ban hành chính sách cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ./.

Tin liên quan

Đọc tiếp