Malaysia chuẩn bị khai trương taxi bay đầu tiên ở Đông Nam Á

Hàng KHông MALAYSIA
09:44 - 12/04/2022
Các taxi bay của Capital A sẽ kết nối trung tâm Kuala Lumpur (Malaysia) với các sân bay, giảm thời gian đi ô tô kéo dài từ 1 giờ xuống còn 17 phút. Ảnh: Capital A
Các taxi bay của Capital A sẽ kết nối trung tâm Kuala Lumpur (Malaysia) với các sân bay, giảm thời gian đi ô tô kéo dài từ 1 giờ xuống còn 17 phút. Ảnh: Capital A
0:00 / 0:00
0:00
Capital A, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia, đang triển khai những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa taxi bay đến với Đông Nam Á. Đồng thời, công ty này cũng thực hiện một bước nhảy vọt khác để chuyển đổi thương hiệu theo hướng số hóa.

Chia sẻ với Nikkei Asia, Giám đốc phụ trách vấn đề an ninh-an toàn của AirAsia, ông Liong Tien Ling cho biết: “Urban Air Mobility (phương tiện bay phục vụ trong môi trường đô thị) là một khái niệm còn tương đối mới. Do đó, trọng tâm của chúng tôi là sáng tạo ra và tạo điều kiện cho một hệ sinh thái cũng như các nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng của dịch vụ này trong tương lai”.

Triển vọng taxi bay trong tương lai

Vào tháng 2 vừa qua, tập đoàn hàng không AirAsia đã ký một biên bản ghi nhớ để thuê ít nhất 100 máy bay VX4 có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện từ tập đoàn Avolon, một hãng cho thuê máy bay có trụ sở tại Ireland. Công ty này đã đặt hàng loại máy bay VX4 từ nhà phát triển Vertical Aerospace của Anh.

3 đơn vị trên sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng này tại Kuala Lumpur (Malaysia), nhằm mục đích thảo luận về vấn đề cung cấp VX4 vào năm 2025.

Máy bay VX4 của công ty Vertical Aerospace. Ảnh: Hindustantimes

Máy bay VX4 của công ty Vertical Aerospace. Ảnh: Hindustantimes

Để bắt đầu loại hình kinh doanh này, taxi hàng không sẽ cần các chứng chỉ về loại hình, cùng với các quy tắc hàng không chuyên dụng và cơ sở hạ tầng về nơi hạ cánh, cất cánh và sân đỗ. Vertical Aerospace đang trong quá trình lấy chứng nhận kiểu loại ở Châu Âu, đồng thời có kế hoạch bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm ngay trong tháng này.

Theo mô hình của AirAsia, hoạt động taxi hàng không sẽ bắt đầu như một cầu nối giữa trung tâm thành phố Kuala Lumpur và các sân bay quốc tế, giúp giảm thời gian di chuyển bằng ô tô kéo dài 1 giờ xuống chỉ còn 17 phút.

Giá vé taxi hàng không dự kiến ​​sẽ thấp hơn 50 USD / người, nếu có bốn hành khách đi chung.

Loại hình dịch vụ taxi hàng không đang trở thành xu hướng của các công ty hàng không hàng đầu thế giới. Hãng American Airlines của Mỹ đã đầu tư vào kế hoạch phát triển taxi bay của nhà sản xuất Vertical Aerospace. Hãng Japan Airlines đã ký một thỏa thuận với công ty cho thuê Avolon nhằm bảo lưu quyền thuê tối đa 50 máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện.

Tuy nhiên, trong khi cả Nhật Bản và Mỹ đều đang trong quá trình soạn thảo các quy định cho dịch vụ taxi hàng không, thì khu vực Đông Nam Á đang “bắt kịp cuộc chơi” khi nhu cầu về dịch vụ di chuyển này ngày càng tăng cao, nhằm mục đích giải quyết các khu vực đô thị bị tắc nghẽn giao thông.

Theo công ty tư vấn Roland Berger có trụ sở tại Munich (Đức), đến năm 2050, thế giới sẽ có 161.000 taxi hàng không, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 51%. AirAsia được coi là hãng hàng không lớn đầu tiên của Đông Nam Á thực hiện bước nhảy vọt vào xu hướng này.

“Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng, đó là để những chiếc máy bay VX4 được bay khắp Đông Nam Á”, Giám đốc điều hành Capital A, ông Tony Fernandes cho biết.

Những khó khăn hiện tại

AirAsia đã dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh hãng hàng không giá rẻ của khu vực và bao gồm các đơn vị khai thác có trụ sở tại Indonesia và Thái Lan. Hãng sẽ tận dụng mạng lưới khổng lồ này để mở rộng hoạt động kinh doanh taxi hàng không trên khắp Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vướng mắc trong khâu chứng nhận kiểu loại và cơ sở hạ tầng, sự khó khăn trong đấu tranh tài chính gần đây cũng đặt ra một thách thức đáng kể cho chiến lược bay của hãng.

Ngành kinh doanh taxi hàng không sẽ là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng của tương lai các hãng hàng không. Ảnh: Mashable

Ngành kinh doanh taxi hàng không sẽ là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng của tương lai các hãng hàng không. Ảnh: Mashable

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không giá rẻ ở Đông Nam Á đã khiến thu nhập của AirAsia tụt giảm mạnh, thấp hơn mức trước thảm họa Covid-19. Trong 3 năm liên tiếp đến năm 2021, AirAsia đã ghi nhận các khoản lỗ ròng, phải chuyển sang mô hình công ty mẹ và đổi tên thành Capital A vào tháng 1/2022.

Giá trị ròng âm của công ty này tăng sâu lên khoảng 6 tỷ Ringgit (1,4 tỷ USD) và có nguy cơ tự động bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, lãnh đạo AirAsia dự báo công ty sẽ sinh lời trở lại vào năm 2023.

Capital A đã cố gắng huy động khoản vay 500 triệu Ringgit (118 triệu USD) do chính phủ hậu thuẫn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị nhà bảo lãnh tài chính nhà nước Danajamin Nasional của Malaysia từ chối vào tháng trước, với lý do công ty này không thể đáp ứng các điều kiện để được cấp vốn và khoản cho vay được bảo đảm. Do vậy, công ty đang tìm kiếm nguồn tài chính từ một ngân hàng khác.

Với việc đổi tên thành Capital A, hãng AirAsia mong muốn hiện thực hóa quyết tâm chuyển đổi thành một công ty kỹ thuật số với mục tiêu tăng trưởng mới thông qua danh mục đầu tư rộng lớn.

Các cánh tay kỹ thuật số của hãng đang nhanh chóng mở rộng. Năm 2020, công ty này bắt đầu kinh doanh dịch vụ giao đồ ăn, sau đó ra mắt dịch vụ gọi xe vào năm ngoái. Các hoạt động thương mại điện tử và hậu cần của Capital A đang được mở rộng quy mô và sắp tới sẽ thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái.

Ngoài ra, Capital A đã tung ra loại hình “siêu thị kỹ thuật số” - tích hợp các dịch vụ của mình. Trong đó, các hình thức đặt chỗ và thanh toán taxi hàng không sẽ được tích hợp vào nền tảng này.

Cuộc khủng hoảng vốn sẽ hạn chế khả năng mở rộng thị phần và khả năng sinh lời của Capital A trong dịch vụ gọi xe - một lĩnh vực được biết đến với sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Tuy nhiên, nếu công ty này vượt qua các rào cản trong khâu tiếp cận và triển khai, ngành kinh doanh dịch vụ taxi hàng không sẽ là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng để phát triển hơn trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.