Masan bán lại toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam

DOANH NGHIỆP Việt nAM
12:28 - 08/11/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
De Heus sẽ trở thành công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam sau khi mua lại mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed của Masan, bao gồm 100% ANCO và 75,2% Proconco.

Giao dịch này là một phần của Bản ghi nhớ về Quan hệ Hợp tác (MOU) được hai bên ký kết vào ngày 14/9/2021. Theo đó, Masan MeatLife sẽ tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm thịt có thương hiệu còn De Heus sẽ ưu tiên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi.

De Heus Việt Nam sẽ tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đầu tư khoảng 600 - 700 triệu USD vào chuỗi cung ứng đạm động vật tại Việt Nam sau thương vụ hợp tác này.

MNS Feed là đơn vị thuộc Masan MEATLife, công ty con của Masan Group. Đơn vị này hiện đang sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và một nhà máy premix (bao gồm 6 nhà máy thuộc Proconco, 7 nhà máy thuộc Anco với tổng công suất 4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi từ gia súc, gia cầm, thủy sản). Thương vụ được kỳ vọng sẽ giúp củng cố vị thế của De Heus trên thị trường thức ăn chăn nuôi Đông Nam Á. Giá trị thương vụ không được tiết lộ.

Sau khi hoàn tất thương vụ này, De Heus sẽ có tổng cộng 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trở thành nhà cung cấp dinh dưỡng động vật số 1 trong thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập tại Việt Nam vượt qua cả Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Và Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều nhà máy nhất của De Heus trên toàn cầu.

Bảng xếp hạng công ty thức ăn chăn nuôi uy tín 2020. Nguồn: Vietnam Report)

Bảng xếp hạng công ty thức ăn chăn nuôi uy tín 2020. Nguồn: Vietnam Report)

De Heus và Masan thống nhất tiến tới những thỏa thuận cung ứng chiến lược dài hạn, bao gồm cung ứng thức ăn chăn nuôi và heo thịt dài hạn mà De Heus sẽ cung cấp cho Masan.

Thương vụ này cho phép cả De Heus và Masan tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food) tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên.

Tính toán của hai bên

Trước đó, tập đoàn Masan đã lên kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp bằng việc tách biệt các mảng kinh doanh độc lập, cho phép đơn vị này chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.

Nghĩa là, Masan muốn các mảng kinh doanh sẽ có tính chủ động, độc lập hơn, và vẫn là các nhân tố trong chuỗi cung ứng tích hợp 3F của Masan MEATLife.

Nhưng bên cạnh đó, họ cũng “sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng”.

De Heus Việt Nam là công ty trực thuộc Royal De Heus Group của Hà Lan. Tập đoàn này tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Những thương vụ mua lại của De Heus nằm trong chiến lược phát triển của công ty, nhằm thông qua các nhà máy tại địa phương để thâm nhập vào các thị trường thức ăn chăn nuôi quốc tế.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco Bình Định. Ảnh: De Heus

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco Bình Định. Ảnh: De Heus

Mục tiêu của De Heus là trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi giá trị nông nghiệp, hỗ trợ những người chăn nuôi và hệ thống đại lý thức ăn chăn nuôi cùng nhau phát triển bền vững. Nhận chuyển giao MNS Feed là một bước đi chiến lược để De Heus tập trung phát triển và cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và quản lý trang trại chất lượng cao cho thị trường Việt Nam.

De Heus đặt chân vào thị trường Việt Nam khá sớm, từ năm 2008. Họ mua lại nhà máy Indochine Feeds tại Bình Dương và PG Richfarm tại Hải Phòng. Hiện tại, De Heus Group đã có nhà máy tại hơn 80 quốc gia, cùng với hơn 6000 nhân viên.

Từ đó đến nay, tập đoàn của Hà Lan đã liên tục mở rộng đầu tư nhằm củng cố vị thế của mình và tăng cường khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác như CP, Cargill, Japfa. Hiện tại, họ đã chiếm gần 6% thị phần mảng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Thương vụ giữa Masan MEATLife và De Heus Việt Nam dự kiến sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên toàn bộ thị trường. Đây cũng có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao các quy định về an toàn, vệ sinh cho chuỗi đạm động vật tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam ở khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp