Masan kỳ vọng mô hình mini mall đáp ứng 80% tiêu dùng trong nước

DOANH NGHIỆP Việt nAM
05:28 - 11/04/2022
Masan kỳ vọng mô hình mini mall đáp ứng 80% tiêu dùng trong nước
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022, Tập đoàn Masan sẽ tập trung phát triển mô hình mini mall và chiến lược giúp người tiêu trải nghiệm mua hàng tích hợp online và offline cũng như tích hợp nhiều tính năng dịch vụ trong cùng một địa điểm.

Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) mới công bố báo cáo thường niên, trong đó năm 2021 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với năm trước và thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 92.000 đến 102.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc vỡ kế hoạch này có thể kể đến việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Masan MEATLife (MML) từ ngày 1/12/2021.

Nếu không tính mảng thức ăn chăn nuôi trong năm tài chính 2021, doanh thu thuần đạt 74.200 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra. Tăng trưởng doanh thu của MSN trong năm tài chính 2021 là nhờ các mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 20% tại Masan Consumer Holdings (MCH), 17,2% tại MML, 82,7% tại Masan High-Tech Materials (MHT), trong khi doanh thu Wincommerce (WCM) gần như không đổi so với năm ngoái.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MSN tăng 58,1%, đạt 16.361 tỷ đồng so với 10.346 tỷ đồng vào năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng doanh thu thuần.

Hồi tháng 11/2021, Tập đoàn De Heus Việt Nam đã ký thỏa thuận chiến lược với Masan MEATLife. Theo đó, De Heus sẽ kiểm soát 100% mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed (bao gồm 100% ANCO và 75,2% Proconco) và cung dài hạn thức ăn chăn nuôi và heo thịt cho Masan.

Ngoài ra, hồi tháng 5/2021, Masan đã chi 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) để nắm 20% cổ phần của Phúc Long. Tới tháng 2/2022, công ty tiếp tục chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng) để mua thêm 31% cổ phần, nâng sở hữu của Masan lên 51% và trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long.

Theo ban lãnh đạo của Masan, quyết định này là vì Phúc Long cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược "Point-of-Life" của tập đoàn này. Theo đó, Masan thí điểm mô hình tích hợp mini-mall gồm WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một địa điểm.

Kết quả thu được từ chiến lược trên tương đối khả quan. Vì vậy, trong năm nay, Masan lên kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình mini mall tại mỗi WinMart/WinMart+. Qua đó, giúp thói quen tiêu dùng offline của người mua hàng trở thành một nghiệm đa kênh thuận tiện, liền mạch từ offline đến online (O2).

Để làm được như vậy, Masan dự định ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học để cải thiện hoạt động vận hành. Xây dựng công cụ định danh người dùng (KYC) nhằm thấu hiểu và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cho 100 triệu người tiêu dùng. Ngoài ra, tập đoàn sẽ phát triển chuỗi cung ứng của tương lai để chuyển đổi thành một doanh nghiệp B2B2C.

“Hiện nay, Masan đang ở nền tảng O2 phiên bản 0.5 của chính mình, nhưng đến cuối năm 2022, tập đoàn sẽ hoàn thiện và nâng cấp nền tảng này lên phiên bản 4.0”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Masan, nhận định.

Vì vậy, Masan đang tập trung phát triển hệ thống mini mall và coi đây là chìa khóa hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và mở rộng quy mô nền tảng O2. Công ty kỳ vọng mô hình mini mall sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% hiện nay ở Việt Nam lên 60 - 80% trong tương lai. Bên cạnh đó, Masan sẽ tăng tốc chiến lược Point-of-Life, nhân rộng mô hình cửa hàng mini mall và ứng dụng dữ liệu lớn (Big data).

Trong năm 2022, MSN kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trên tất cả các mảng kinh doanh. Động lực tăng trưởng đến từ các hoạt động đầu tư xây dựng nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa hệ sinh thái Point of Life đầy tham vọng của mình.

Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông của Công ty (không bao gồm lãi/lỗ một lần) từ 5.000-7.000 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4 trước kỳ nghỉ Lễ Giỗ tổ, cổ phiếu MSN giảm tương đương 2.500 đồng, giao dịch ở mức 123.750 đồng/cp.

Ngoài ra, Masan cũng rất chú trọng đến việc phát triển xanh và bền vững. Theo đó, tập đoàn tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo thông qua tận dụng nhiệt bị mất đi trong quá trình chiên và vô trùng sản phẩm, áp dụng công nghệ biogas từ trấu và mùn cưa để tạo năng lượng cho các nhà máy. Ngoài ra công ty cũng đẩy mạnh tiết kiệm năng lược bằng cách tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Trong năm 2021, Masan đã sử dụng hơn 297 triệu tấn hơi từ việc đốt lò hơi chạy bằng dầu DO hoặc Biomass (từ mùn cưa, vỏ trấu…) nhằm giảm phát thải ra môi trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.