"Mất bò mới lo làm chuồng" - Bài học cho thương hiệu Việt Nam

Gạo Việt nAM
09:15 - 28/12/2021
"Mất bò mới lo làm chuồng" - Bài học cho thương hiệu Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Gạo ST24, ST25 từng gặp khó khăn trong việc bảo hộ nhãn yêu trên thị trường quốc tế, nay lại tiếp tục công cuộc chống hàng nhái hàng giả ở thị trường nội địa.

Gia đình ông Hồ Quang Cua – tác giả chính của giống lúa và gạo ST24, ST25 - thương hiệu đã đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 đã có đơn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đề nghị lực lượng hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.

Nhiều quốc gia tranh chấp thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”

Năm 2019, tại Hội nghị Gạo Thế giới TRT thường niên lần thứ 11, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” cho loại gạo ST25.

Trong sự kiện này, chủ sở hữu của cuộc thi The Rice Trader, đã công nhận giải thưởng này của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí – nhóm nghiên cứu phát triển giống gạo ST25.

Trong thông cáo báo chí phát hành ngay lúc đó, The Rice Trader (TRT) cũng tuyên bố cảnh cáo chính thức tới các công ty Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” trong các bao bì gạo đang được kinh doanh tại thị trường Việt Nam lúc ấy.

“Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới” thông cáo báo chí của The Rice Trader nhấn mạnh.

Tiếp đến năm 2020, gạo ST25 đạt giải á quân cuộc thi “Gạo ngon nhất Thế giới”.

Dù vậy, cuối tháng 04/2021, thông tin có 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ mới khiến doanh nghiệp Việt ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu.

Sau đó, đầu tháng 5/2021, tiếp tục có thông tin Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung “Gạo, Gạo ngon nhất thế giới”.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), Công ty TNHH Hồ Quang Trí (Sóc Trăng, Việt Nam) đã kịp thời làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo ông Cua” tại thị trường Mỹ. Đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận.

Đây có thể nói là động thái kịp thời của ông Hồ Quang Cua sau khi gạo ST25 - Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam bị nhiều doanh nghiệp ở Mỹ tiến hành đăng ký sở hữu.

Ngoài ra, ngay khi các thông tin về doanh nghiệp Mỹ đăng ký sở hữu thương hiệu ST25, một doanh nghiệp của Úc cũng đã nộp đơn đăng ký thương hiệu sở hữu với ST25 tại Úc. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái can thiệp kịp thời sau khi có thông tin này.

ST25 không phải thương hiệu đầu tiên

Trước ST25, đã có không ít thương hiệu Việt Nam trải qua bài học đắt giá về việc không đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các quốc gia trên thế giới dẫn tới bị mất thương hiệu, giảm cơ hội và khả năng xuất khẩu của thương hiệu.

Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên, “anh cả” của cà phê Việt. Tháng 7/2000, Thương hiệu cà phê Trung đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO).

Sau 2 năm đàm phán doanh nghiệp này mới lấy lại được thương hiệu và Rice Field nhận làm đại lý phân phối tại Mỹ. Thương vụ dàn xếp trên đã tiêu tốn của Trung Nguyên hàng trăm nghìn USD. Sau "cú vấp" này, Trung Nguyên đã đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia.

Cũng như Trung Nguyên, Vinataba mất hàng tỷ đồng để chuộc thương hiệu. Năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) đánh cắp tại Lào và Campuchia và chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean.

Vinataba đã phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Do có đăng ký thương hiệu từ trước và những cố gắng của Tổng công ty này, ngày 24/1/2003, họ đã giành lại được tên tại Lào.

Tại Campuchia, vào tháng 12/2002, sản phẩm Vinataba của Việt Nam cũng được công nhận. Chi phí đòi lại thương hiệu tại Campuchia là 1.500 USD.

Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu, nên hiện nay có những sản phẩm của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam mặc dù chưa ra đời như "Vinacigar" nhưng đã đăng ký thương hiệu.

Ngoài những thương hiệu trên, có không ít những trường hợp như vậy đã xảy ra, khiến Việt Nam đánh mất những thương hiệu lớn như cà phê Đắk Lắk, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, Vinamit,…

Có thể thấy, thương hiệu là vốn của mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà sản xuất, cho dù có sản phẩm nhưng không có thương hiệu thì không thể bán hàng được, đặc biệt là mặt hàng xuất khẩu.

Vì vậy các doanh nghiệp cần lưu ý hơn về việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Cần coi đó là tài sản của mình, không thể vì thiếu hụt về hiểu biết và điều kiện kinh tế mà coi nhẹ việc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Bởi khi bị đăng ký trước, việc lấy lại thương hiệu sẽ mất thời gian và tiền bạc hơn nhiều.

Lưu tâm ngay cả ở thị trường nội địa.

Trở lại với thị trường Việt Nam, sau khi giành ngôi vị vinh quang tại cuộc thi toàn cầu lúa gạo về cũng là thời điểm sản phẩm gạo ST25 của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến giả mạo nhãn hiệu tại thị trường nội địa.

Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của một số sản phẩm trên thị trường có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa “The World’s Best Rice” (Gạo ngon nhất Thế giới) mà tổ chức thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.

Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước dẫn đến khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc xử lý các đối tượng mà gia đình ông Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.

“Giống lúa ST25 đã được Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn cấp Bằng bảo hộ cho tác giả: Hồ Quang Cua và đồng tác giả: Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương”, ông Cua chia sẻ.

Hiện nay, doanh nghiệp gia đình ông Hồ Quang Cua mới có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “SR SOC RICE”. Hai nhãn hiệu khác mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua”, “Gạo ST” đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong quá trình chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài ra, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua’, “Gạo ST” của ông Cua chưa có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cũng như hồ sơ tự công bố dẫn đến tình trạng chưa đủ căn cứ để lực lượng QLTT xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu này.

Gia đình ông Hồ Quang Cua đã được Tổng cục QLTT trao đổi, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ cho 02 nhãn hiệu nêu trên, cũng như hoàn thiện thủ tục về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần phòng chống việc làm giả, làm nhái nhãn hiệu gạo nổi tiếng này.

Ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục chủ động, rà soát và phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ gia đình ông Cua nói riêng cũng như các doanh nghiệp nói chung để bảo hộ nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Rút kinh nghiệm từ việc đánh mất thương hiệu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế, Tổng cục QLTT khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, chủ động xây dựng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, Thương vụ, Cục Sở hữu trí tuệ, các Bộ ngành liên quan để được hỗ trợ thủ tục cần thiết trước, trong và sau quá trình dự thi, tham gia kinh doanh tại thị trường quốc tế nhằm bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.

Đồng thời, cần chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của chính mình nhằm tránh những tranh chấp không đáng có rất phổ biến hiện nay. Đây cũng là cách để bảo vệ thành quả, sức lao động và chất xám, bảo vệ thành tựu của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung.

Tin liên quan

Đọc tiếp