MB dự kiến vươn lên đứng đầu nhóm ngân hàng TMCP về vốn điều lệ

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:15 - 13/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
MB dự kiến phát hành gần 756 triệu cp để trả cổ tức, đưa vốn điều lệ tăng từ mức 37.783 tỷ đồng lên hơn 45.339 tỷ đồng. Nếu đợt nâng vốn này thành công, MBBank sẽ đứng đầu nhóm ngân hàng TMCP về vốn điều lệ và xếp thứ 4 sau BIDV, Vietinbank và Vietcombank.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ra thông báo liên quan đến việc chốt danh sách cổ đông Ngân hàng TMCP Quân Đội - MBBank (MBB), để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021.

Tỷ lệ thực hiện là 20%/cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới) với mệnh giá 10.000 đồng/cp, ngày chốt danh sách đăng ký cuối cùng là 23/8/2022. Như vậy, số lượng cổ phiếu mà ngân hàng này sẽ phát hành là hơn 755 triệu đơn vị.

Lần phát hành gần nhất của MB là vào tháng 7/2021, với mục đích trả cổ tức. Số lượng phát hành là hơn 979 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 35%.

Hiện tại, MB đang lưu hành hơn 3,7 tỷ cổ phiếu. Sau khi hoàn tất trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng này sẽ tăng số lượng cổ phiếu lưu hành lên hơn 4,5 tỷ đơn vị. Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch chia cổ tức kể trên, vốn điều lệ nhà băng này sẽ tăng lên hơn 45.339 tỷ đồng, tương đương mức tăng thêm 7.556 tỷ.

Nếu việc trả cổ tức diễn ra thành công, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ 37.783 tỷ đồng lên 45.339 tỷ đồng. Con số này sẽ cao hơn VPBank với vốn điều lệ 45.056 tỷ đồng, đưa MB trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 4 thị trường chỉ sau ba ngân hàng trong nhóm Big4 là BIDV (vốn điều lệ 50.585 tỷ đồng), VietinBank (vốn điều lệ 48.057 tỷ đồng) và Vietcombank (vốn điều lệ 47.325 tỷ đồng).

Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2022, Lãnh đạo tại MBBank đã thông qua phương án được cổ đông cho phép nhằm tăng điều lệ lên 46.882 tỷ đồng, tương đương với 24%.

Các bước thực hiện tăng vốn được ngân hàng lựa chọn thông qua chào bán 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược (Viettel), phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. Đồng thời tiếp tục phương án tăng vốn thêm 892 tỷ đồng đã được thông qua trong năm 2021.

Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở...) và còn lại để bổ sung vốn cho kinh doanh khác.

Về kết quả kinh doanh tại MBBank, tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khách hàng đạt 658.274 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm với khoản cho vay khách hàng tăng 14,3%, đạt 415.456 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng đã giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ quý II/2021 với 1.374 tỷ đồng, giảm 43%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, lọt top các nhà băng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 17.355 tỷ đồng, tăng 38,7%; Lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.127 tỷ đồng, tăng 1,5%; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 938 tỷ đồng, tăng 68%; chứng khoán kinh doanh lợi nhuận 134 tỷ đồng, tăng 6,8 lần.

Trong năm 2022, MB tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23%; riêng ngân hàng là 17.300 tỷ đồng, tăng 20%. Ngoài ra, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15% so với năm 2021; dư nợ tín dụng tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp