Metaverse cùng 3 xu hướng công nghệ định hình tương lai

Metaverse cùng 3 xu hướng công nghệ định hình tương lai

metaverse THẾ GIỚI
10:24 - 24/02/2022
Cùng những cách định hình metaverse khác biệt, tương lai của nền tảng này sẽ được tạo dựng dựa trên các công nghệ khác nhau mà thế giới đang phát triển để tiếp cận, bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và giao diện não - máy tính (BCI).

Trong suốt năm 2021, từ khóa metaverse (vũ trụ ảo) dần được sử dụng phổ biến và tạo nên nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của công nghệ này và liệu nó đã xuất hiện hay chưa. Tuy nhiên tới năm 2022, vẫn chưa có một định nghĩa nào được chấp nhận một cách chính thức về metaverse.

Trang The Verge đã gợi ra một hình ảnh đầy sự thiếu rõ ràng về nền tảng này: “Có thể bạn đã đọc được ở đâu đó metaverse sẽ thay thế Internet. Có thể chúng ta rồi sẽ sống ở đó. Có thể Facebook, hoặc Roblox hay Epic và nhiều những công ty khác đang cố gắng sở hữu công nghệ này. Có thể nó cũng có liên quan tới NFT”.

Hiện những nỗ lực tìm kiếm một định nghĩa cho công nghệ này có thể được phân chia thành 3 trường phái chính: metaverse là một "sản phẩm hoặc dịch vụ", metaverse là "một địa điểm" và metaverse là "một khoảnh khắc".

Metaverse là gì?

Định nghĩa phổ biến nhất về metaverse là một mạng lưới rộng lớn gồm các thế giới 3D được chuyển đổi theo thời gian thực, cũng như các mô phỏng mà một số lượng người sử dụng không giới hạn có thể trải nghiệm. Trong những thế giới này, mỗi người dùng sẽ có sự hiện diện của riêng mình. Theo định nghĩa này, metaverse là một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ngoài việc được định nghĩa như một sản phẩm hoặc dịch vụ, metaverse cũng thường được mô tả như là một nơi mà người dùng có thể kết nối, tương tác cũng như chuyển đổi bản thân và đồ dùng của mình qua nhiều địa điểm kỹ thuật số. Các ví dụ phổ biến cho định nghĩa này có thể kể đến là nền tảng trò chơi và sáng tạo Roblox, game Fortnite của hãng Epic Games và game Core của hãng Manticore Games, nơi người chơi và avatar có thể chuyển đổi liền mạch từ thế giới ảo này sang thế giới ảo khác.

Gần đây, một doanh nhân startup mang tên Shaan Puri lại đưa ra một định nghĩa khác và mô tả metaverse như một thời điểm. Cụ thể, metaverse chính là khoảnh khắc mà cuộc sống kỹ thuật số của chúng ta - gồm danh tính, trải nghiệm, các mối quan hệ và tài sản – trở nên có ý nghĩa hơn với ta thay vì cuộc sống thật. Do đó, quan điểm này đặt trọng tâm vào trải nghiệm của con người hơn. Nó cũng khiến cho quá trình chuyển đổi sang metaverse trở thành một sự thay đổi xã hội thay vì là công nghệ.

Định nghĩa thứ 3 về metaverse tỏ ra hấp dẫn, do nó tập trung vào thành phần thực sự sẽ tham gia xây dựng và sử dụng metaverse là con người. Nó cũng trả lời cho các câu hỏi về việc liệu metaverse sẽ nhìn ra sao và được cảm nhận như thế nào. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp đưa ra các dự đoán hữu ích về một làn sóng thay đổi kinh tế xã hội mà metaverse sẽ gây ra trong tương lai.

Và nếu các nhà công nghệ đúng khi cho rằng 2022 sẽ đánh dấu thời điểm mà tư tưởng và hành động tách biệt, thì những tiến bộ kỹ thuật của những năm vừa qua đã chứng minh nó. Những sự tiến bộ này phần lớn đến từ bộ vi xử lý đồ họa (GPU), AI và các công cụ 3D mô phỏng hiện thực. Ngoài ra, sự hiểu biết rõ hơn về cơ sở hạ tầng blockchain cũng như sự phổ biến ngày càng rộng của điện toán đám mây và công nghệ 5G cũng chứng tỏ thế giới đang dần tiến gần hơn tới metaverse.

Trên hết, có một phát triển đã nổi bật hơn tất cả những tiến bộ khác và khiến giấc mơ metaverse ngày càng gần là công nghệ thực tế mở rộng (XR). Thuật ngữ này bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và giao diện não - máy tính (BCI). Cùng nhau, những công nghệ này sẽ trở thành nền tảng tiếp theo định hình tương lai của metaverse.

Hiện tại, XR ngày càng được áp dụng rộng rãi với nhiều dự báo cho rằng doanh số các thiết bị AR và VR sẽ sớm vượt doanh số máy chơi game trên toàn cầu sớm nhất vào năm 2024. Cũng giống như những gì máy tính cá nhân và điện thoại thông minh đã làm trước đó, thiết bị XR dự kiến sẽ cách mạng hóa hoàn toàn trải nghiệm kỹ thuật số của con người. Hơn nữa, nó cũng được cho là sẽ cung cấp các lựa chọn đầu vào đa dạng cho metaverse.

Những câu hỏi về công nghệ XR nào sẽ chiếm ưu thế đang là chủ đề của các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các công ty và các nhà đầu tư.

Metaverse của hiện tại: VR như một “lối thoát kỹ thuật số”

Hiện tại và trong khoảng thời gian một vài năm tới, metaverse được dự đoán sẽ chủ yếu được thể hiện thông qua thực tế ảo VR. Nói cách khác, nó sẽ trở thành một thế giới kỹ thuật số được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau từ cá nhân tới doanh nghiệp.

Các động thái gần đây bởi nhiều tập đoàn lớn trong ngành như Meta Platforms (Facebook), Microsoft và Sony đều cho thấy các thiết bị như Meta Quest hoặc Sony PSVR sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, nhằm điều hướng trong môi trường 3D mang tính tương tác và tính xã hội.

VR tập trung chủ yếu vào việc tạo ra cảm giác hiện diện kỹ thuật số. Nhiều chuyên gia cũng đồng ý rằng đây sẽ là chìa khóa trong việc tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cũng như trong việc giữ chân người dùng. Giám đốc điều hành Meta Platforms – Mark Zuckerberg – thậm chí còn tuyên bố rằng metaverse đã xuất hiện ngày nay dưới dạng các trò chơi điện tử phổ biến. Ứng dụng Oculus của tập đoàn hiện cũng đang là ứng dụng dẫn đầu trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Theo nhiều quan sát, Meta có khả năng đã bán được tới 2 triệu sản phẩm kính VR.

Trên thực tế, có nhiều chuyên gia công nghệ kỳ vọng Meta sẽ tiến hành thương vụ mua lại một thương hiệu game lớn trong năm 2022, đặc biệt khi các đối thủ của hãng là Microsoft đã mua lại Activision Blizzard trong một thương vụ trị giá 68,7 tỷ USD và Sony mua lại Bungie với giá 3,6 tỷ USD.

Tầm nhìn của hiện tại này tách biệt giữa mặt kỹ thuật số và mặt vật lý của chúng ta khi thực tế ảo chỉ thay thế một số khía cạnh nhất định trong toàn bộ trải nghiệm của con người. Có những nhà phê bình cho rằng việc dựa vào các thiết bị VR và các nhà sản xuất nội dung để xây dựng lên metaverse sẽ chỉ tái tạo được hình ảnh Internet ngày nay: một hệ sinh thái khép kín và được kiểm soát bởi các nhà điều hành.

Đây là một tương lai đối lập hoàn toàn với viễn cảnh mà những người ủng hộ Web 3 hướng tới, những người tin rằng metaverse nên hoạt động như một sự cân bằng với sức mạnh mà các tập đoàn công nghệ lớn nắm giữ. Theo những người này, metaverse nên là công cụ đem đến cơ hội phi tập trung trải nghiệm, phi tập trung kiểm soát cũng như thương mại hóa theo hướng có lợi cho người dùng và những người sáng lập nội dung.

Metaverse của tương lai gần: AR để hỗ trợ chứ không phải thay thế trải nghiệm của con người

John Hanke, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ Niantic, cho biết ngày nay có rất nhiều người đang nói tới metaverse và những trải nghiệm mà nó sẽ mang lại. Tuy nhiên, ông cho rằng công nghệ kỹ thuật số không nên cạnh tranh với thực tế vật lý vì có nhiều người không thích các trải nghiệm kéo dài trong thế giới ảo. Theo ông nhận định, metaverse nên hướng tới việc cải thiện chứ không phải là thay thế trải nghiệm của con người.

Ông cũng không phải người duy nhất đồng ý với ý kiến này. Philip Rosedale, người giám sát nền tảng mạng xã hội Second Life chia sẻ rằng metaverse "không phải dành cho tất cả mọi người". Những người ủng hộ AR cũng tin rằng metaverse của tương lai sẽ dựa trên sự tổng hợp của cả thế giới vật lý và kỹ thuật số để cải thiện trải nghiệm của con người.

Các sản phẩm AR được ra mắt gần đây hay được dự kiến sẽ ra mắt bởi các công ty như Google, Snap, Nreal và Tilt Five đã chứng tỏ tiềm năng rộng lớn của AR bên cạnh những hạn chế cần phải cải thiện để công nghệ này có thể đạt được sự phát triển tốt nhất. Tuy nhiên với việc ngày càng nhiều các công ty tham gia vào cuộc đua công nghệ cũng như tin đồn về sự ra mắt các thiết bị AR từ các ông lớn như Apple, có khả năng tương lai này sẽ không ở quá xa.

Metaverse trong dài hạn: BCI là hình thái cuối cùng của metaverse

Tầm nhìn xa nhất cho công nghệ metaverse có lẽ sẽ có sự liên quan lớn tới giao diện não – máy tính (BCI), một thuật ngữ dùng để chỉ một giao thức tương tác trực tiếp giữa các tín hiệu não với một thiết bị bên ngoài.

Tất cả các mô hình thực tế mở rộng XR hiện tại đều dựa trên một màn hình và một hệ thống điều khiển truyền thống. Kể cả khi các thiết bị hiện đại hơn sử dụng thêm cả xúc giác và khứu giác, hệ thống này vẫn trọng tâm.

Tuy nhiên, BCI nhắm tới việc thay thế hoàn toàn màn hình và phần cứng vật lý như hiện tại. Điều này cũng có nghĩa là BCI đang được cải tiến để giúp con người sử dụng sóng não nhằm tạo ra các di chuyển cơ học.

Các công nghệ như Neuralink thậm chí còn yêu cầu phẫu thuật thần kinh để cấy ghép các thiết bị vào não. Trong tương lai, BCI có thể đem tới sự thay đổi mang tính cách mạng trong cách con người sử dụng các thiết bị hàng ngày.

Tuy các ý tưởng cấy ghép thiết bị vào trong cơ thể là một ý tưởng vừa gây tò mò vừa khiến nhiều người chùn bước, nhưng trên thực tế, các giao diện thần kinh hiện đang được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để khôi phục việc nói và viết ở những người bị mất những khả năng trên.

Trong bối cảnh metaverse như hiện tại, công ty trò chơi và công nghệ Valve đã tuyên bố sẽ bắt đầu khám phá công nghệ BCI vào năm ngoái cùng với nhà phát triển của set kính Galea mang tên OpenBCI. Những công nghệ này được dự tính sẽ ứng dụng cho nhiều lĩnh vực từ chơi game cho tới chăm sóc sức khỏe.

Sau khi mở rộng quan hệ đối tác với MIT Media Lab và Tobii, OpenBCI đã kêu gọi vốn để xây dựng thứ mà công ty gọi là “hệ điều hành của trí óc”. Nếu thành công, hệ điều hành này sẽ thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc hướng tới một tương lai nơi trải nghiệm của con người thực sự được tích hợp với công nghệ.

Đọc tiếp