Microsoft đạt thành thỏa thuận đưa Call of Duty lên Nintendo trong 10 năm

Trò chơi MỸ
20:30 - 07/12/2022
Microsoft đạt thành thỏa thuận đưa tựa game nổi tiếng Call of Duty lên các nền tảng của Nintendo trong 10 năm. Ảnh: Nintendo
Microsoft đạt thành thỏa thuận đưa tựa game nổi tiếng Call of Duty lên các nền tảng của Nintendo trong 10 năm. Ảnh: Nintendo
0:00 / 0:00
0:00
Microsoft và Nintendo đã đạt được thỏa thuận đưa một trong những tựa game nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp trò chơi là Call of Duty của Activision – công ty mà Microsoft đang mua lại - lên Nintendo trong vòng 10 năm.

Theo hãng tin Bloomberg, thỏa thuận này giữa Microsoft và Nintendo sẽ có hiệu lực ngay khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ hoàn tất thương vụ mua lại Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD. Theo các thông tin ban đầu, thời hạn của thỏa thuận này vốn kéo dài 10 năm nhưng có thể được gia hạn thêm sau giai đoạn ban đầu.

Giám đốc Xbox Phil Spencer khẳng định Microsoft cam kết mở rộng số lượng nền tảng mà mọi người có thể chơi các trò chơi của mình. Đồng thời, ông cho biết tập đoàn cũng cam kết cung cấp tựa game Call of Duty trên nền tảng Steam của Valve cùng lúc với việc phát hành trên Xbox.

Hôm 7/12, các giám đốc điều hành của Microsoft đã gặp mặt Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ Lina Khan và các ủy viên khác để bàn luận về các điều kiện cuối cùng giúp thỏa thuận này được thông qua. Theo ông Spencer, mục đích của Microsoft là trở nên phổ biến hơn trên nhiều nền tảng hơn. Ngoài ra, ông cũng khẳng định tập đoàn có nhiều ý tưởng tốt về cách xây dựng các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Nintendo và thậm chí là cả Sony.

Trên thực tế, Microsoft cũng đã đưa ra đề nghị tương tự đối với gã khổng lồ công nghệ Sony của Nhật Bản với mục tiêu đưa thương hiệu Activision xuất hiện trên PlayStation trong “một vài năm”. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Sony từ chối với lý do là “không đủ”. Công ty hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về thỏa thuận 10 năm mới nhất này.

Kể từ khi thương vụ mua lại Activision của Microsoft bắt đầu, Sony vẫn luôn là bên phản ứng rất quyết liệt do lo ngại việc Microsoft sẽ độc quyền nhiều nội dung, đặc biệt là Call of Duty. Ngay khi tin tức này được công bố, cổ phiếu của Nintendo tại Tokyo đã tăng tới 1,5% trong khi cổ phiếu của Sony giảm 1,3%.

Nhận định về động thái này, các nhà phân tích cho biết thỏa thuận Call of Duty của Microsoft giống như một hành động với mục tiêu xoa dịu các cơ quan quản lý và các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.

Trước đó hồi 8/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền về thương vụ mua lại Activision của Microsoft. Theo cơ quan này, cuộc điều tra chuyên sâu có mục tiêu xác định xem liệu những tác động của vụ thâu tóm này có ảnh hưởng lên tính cạnh tranh hay không, đặc biệt là trước lo ngại Microsoft có thể biến tựa game nổi tiếng như Call of Duty trở thành độc quyền và hạn chế truy cập của người dùng bên ngoài.

Tuy nhiên, Microsoft đã bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định tập đoàn sẽ không hạn chế người chơi vì nó đi ngược lại ý nghĩa kinh doanh. Ông Spencer cũng tương đối tự tin rằng thỏa thuận mua lại Activision sẽ được các cơ quan quản lý chấp thuận khi ông cho biết công ty đặt ra mốc hoàn thành là vào tháng 6/2023.

Theo ông, các bước mà Microsoft đã thực hiện với Nintendo và Valve là một tín hiệu cho thấy nỗ lực của Microsoft trong việc trở nên toàn diện hơn và phân phối rộng rãi danh mục nội dung trò chơi của mình.

Đọc tiếp