Mirae Asset: Tăng trưởng chuỗi giá trị dệt may Việt Nam suy giảm vào cuối năm

Dệt May Việt nAM
16:05 - 13/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Mirae Asset, hàng dệt may đang bị ảnh hưởng bởi kinh tế ảm đạm do lạm phát ở Mỹ và nền kinh tế EU gặp rủi ro liên quan đến khí đốt. Việc này sẽ khiến tăng trưởng chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu và Việt Nam nói riêng bị suy giảm.

Theo báo cáo về thị trường tháng 9 về ngành dệt may, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, sau khi giảm tốc trong tháng 7 thì tốc độ tăng trưởng của ngành đã quay trở lại mức cao hơn vào tháng 8 năm nay.

Theo ước tính của Mirae Asset, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tính đến tháng 8/2022 ước đạt 26 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất may mặc vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 28,2% so với cùng kỳ và 8 tháng đầu năm tăng 22,5% so với năm 2021. Ngoài ra, chỉ số sử dụng lao động ngành may mặc tính đến đầu tháng 8 ghi nhận tăng 1,3% so với các tháng trước và 18,8% so với cùng kỳ.

Tại mảng dệt trong nước tiếp tục ghi nhận phục hồi nhẹ, cụ thể chỉ số sản xuất mảng dệt tháng 8 ước tính ở mức 5,1% so với cùng kỳ và tăng nhẹ so với mức tăng 4% cùng kỳ trong tháng 7.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại mặt hàng xuất khẩu sợi trong tháng 8 ước đạt 340 triệu USD, giảm 29,2% so với cùng kỳ. Xét về lượng, xuất khẩu sợi trong tháng 8 ước đạt 120.000 tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, ngành sợi tại Việt Nam ước đạt 3,4 tỷ USD về xuất khẩu, tương đương với 1,08 triệu tấn sợi, giảm 17,8% so với cùng kỳ.

Ngành sợi giảm tốc trong tháng 8/2022 (Ảnh minh hoạ)

Ngành sợi giảm tốc trong tháng 8/2022 (Ảnh minh hoạ)

Đánh giá về tính rủi ro của ngành dệt may, theo Mirae Asset, Việt Nam hiện bị ảnh hưởng khi mảng dệt tại Trung Quốc ghi nhận giảm 4,8% so với cùng kỳ trong tháng 7, tiếp tục ở mức tiêu cực.

Với việc kiên trì theo đuổi chính sách giãn cách nhằm kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động dệt may ở Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu bị ảnh hưởng nặng khi sản xuất trang phục cũng đi xuống, kéo theo nhu cầu của sợi suy giảm.

Một điểm xám khác trong bức tranh kinh tế ngành dệt may liên quan đến nhu cầu về hàng may mặc trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế ảm đạm, đặc biệt là Mỹ với GDP quý II giảm 0,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguy cơ nền kinh tế EU gặp rủi ro liên quan đến vấn đề khí đốt. Việc này sẽ khiến tăng trưởng chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu và Việt Nam nói riêng sẽ suy giảm, các chuyên gia nhận định.

Đối với doanh nghiệp nói riêng, Mirae Asset có cái nhìn tích cực đối với CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG). Tại báo cáo tài chính tháng 7/2022, TNG đã công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 765 tỷ đồng ( tăng 28,6% so với cùng kỳ) và 41,1 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ), tiếp tục duy trì tăng trưởng cao.

Kéo theo lũy kế doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 7 tháng đầu năm tại công ty đạt 4.008 tỷ đồng ( tăng 36% so với cùng kỳ) và 166,3 tỷ đồng ( tăng 39%). Biên lợi nhuận 7 tháng tiếp tục cải thiện lên mức 4,1% từ mức 3,8% trong nửa đầu năm 2022.

Về nguồn thu từ bất động sản, tính đến cuối tháng 6/2022, TNG đã ghi nhận 532 tỷ đồng đầu tư vào KCN Sơn Cẩm 1 (tổng số vốn đầu tư ước tính ban đầu 520 tỷ đồng). Do đó, chuyên gia chứng khoán kỳ vọng dự án có thể hoàn thành và đem về nguồn thu đột biến cho TNG trong tương lai.

Trước đó, tại báo cáo ngành dệt may, Chứng khoán VNDirect cũng thông tin, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

Theo VNDirect, Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi.

Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua.

Mặc dù vậy, VNDirect nhận định, các doanh nghiệp dệt may đang mở rộng năng lực sản xuất tại thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ phục hồi trong quý II/2023. Khi các doanh nghiệp dệt may này đã xây dựng và mở rộng nhà máy lên 15-30% công suất so với hiện tại.

Do đó, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng trong năm 2023 có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của các doanh nghiệp lớn như STK, MSH, HSM khi các nhà máy mới hoàn thành và đi vào hoạt động ở mức 80-85% công suất.

Trong đó, STK và MSH được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 khi dự án Unitex hoàn thành và chạy thương mại vào quý IV/2022 trong khi nhà máy SH10 dự kiến chạy với 80% công suất vào năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.