Mirae Asset: Xuất khẩu đang chậm lại do tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu

KINH TẾ Việt nAM
09:37 - 07/11/2022
Mirae Asset: Xuất khẩu đang chậm lại do tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu
0:00 / 0:00
0:00
Theo kịch bản tích cực của Mirae Asset, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt trên 8%. Song, tiêu dùng, tăng trưởng FDI và xuất khẩu chậm lại báo hiệu tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể suy giảm thời gian tới.

Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) chỉ ra rằng, kinh tế tháng 10 tiếp tục phục hồi với một số điểm sáng như bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ hồi phục, vốn FDI thực hiện tăng cao, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư.

"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7,5%-8% trong kịch bản cơ sở, và trên 8% trong kịch bản lạc quan, với 4 động lực tăng trưởng chính gồm tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng FDI giải ngân ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc và tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tích cực", Mirae Asset nhận định.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Cụ thể:

Tiêu dùng vẫn trong xu hướng hồi phục, nhưng có sự chậm lại

Mirae Asset chỉ ra rằng, tiêu dùng, nhìn chung, vẫn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính tăng 17,1%, lũy kế 10T/2022 tăng 20,2%.

Tiêu dùng được kỳ vọng vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý 4 năm nay, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại so với quý 3 trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu, cũng như bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn gần đây trên thị trường tài chính và bất động sản.

Tăng trưởng giải ngân vốn FDI ổn định, tuy nhiên tốc độ có thể chậm lại

Dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn FDI đăng ký hồi phục đáng kể trong tháng 10, tuy nhiên, lũy kế 10 tháng 2022 vẫn giảm 5,4%, đạt 22,46 tỷ USD, cho thấy mức tăng trưởng FDI vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới trong 10 tháng giảm 23,7%, trong khi vốn đăng ký bổ sung tăng 23,3% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực sản xuất tiếp tục dẫn đầu về thu hút FDI, chiếm 65% tổng vốn đăng ký trong 10T2/2022. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải ngân FDI tăng 15,2% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, giải ngân FDI tháng 10 chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ, đạt 2 tỷ USD.

"Chúng tôi dự báo tốc độ giải ngân có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên", Mirae Asset nhận định.

Xuất khẩu gần đây đã thể hiện những dấu hiệu tiêu cực

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tăng 15,9% so với cùng kỳ trong 10 tháng 2022 lên hơn 312,82 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. "Chúng tôi tin rằng xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng cần theo dõi trong quý 4 vì tăng trưởng xuất khẩu không chỉ giúp tăng GDP nói chung, mà còn góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô", nhóm phân tích đánh giá.

Tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia Mirae Asset, xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Trong đó, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao, đặc biệt ở các nước châu Âu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm công nghiệp chế biến và chế tạo tháng 10 chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng 2022 tăng 9,6%, mức tăng trưởng chậm lại khá nhiều so với 9T/2022 là 10,4%.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 10 cũng giảm xuống còn 50,6 điểm - dù vẫn nằm trong vùng mở rộng sản xuất trên 50 điểm nhưng là mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây, với các dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy giảm như sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại; lượng công việc tồn đọng giảm đi; tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng 10...

Ở khía cạnh tích cực, Mirae Asset kỳ vọng yếu tố đầu tư công sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu.

Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng 2022 ước đạt 1.464 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ, tương đương 103,7% dự toán năm, trong khi lũy kế chi ngân sách chỉ tăng 6,3%, đạt 1.219 nghìn tỷ đồng, tương đương 68,3% dự toán năm. Theo đó, thặng dư ngân sách Nhà nước sẽ tạo dư địa cho Việt Nam tích cực giải ngân vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, nhóm phân tích Mirae Asset kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự nhận định của Mirae Asset, Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô, theo đó nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại trong thời gian tới khi các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế như PMI và IIP có dấu hiệu suy yếu do các đơn hàng mới giảm.

Cụ thể, IIP tháng 10 tăng 3% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ năm trước. IIP tháng 10 phục hồi nhẹ ở một số nhóm sản phẩm chính như bia, ô tô song tốc độ tăng đang giảm dần so với các tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do đơn hàng mới sụt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, bão số 6 ảnh hưởng hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng.

Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP tăng 9%. Ngành công nghiệp, chế biến tiếp tục đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số. Một số sản phẩm công nghiệp tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm trước như đồ uống, trang phục, da, gỗ và chế biến gỗ. Tuy nhiên, tình hình đơn đặt hàng mới ở các nhóm ngành này đang chậm lại dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong các tháng cuối năm.

Trong khi đó, PMI giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng gần đây. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn do nhu cầu giảm là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tổng thể của ngành sản xuất chậm lại.

"Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể gây ra nhiều thách thức trong thời gian tới", báo cáo Agriseco nhận định.

Đọc tiếp