Mở cửa du lịch cũng cần đi cùng 'mở cửa về thị thực' cho người nước ngoài

DU LỊCH visa
22:52 - 09/03/2022
Việc du khách xin thị thực vào Việt Nam vẫn còn khá khó khăn
Việc du khách xin thị thực vào Việt Nam vẫn còn khá khó khăn
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/3 tới đây, toàn bộ các hoạt động du lịch quốc tế sẽ chính thức được tái mở cửa sau thời gian dài tê liệt do đại dịch. Tuy nhiên, hiện vấn đề cấp thị thực (visa) cho du khách nước ngoài vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

Việc mở cửa lại du lịch từ ngày 15/3 là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên chỉ mở cửa không thôi thì chưa đủ phục hồi lại ngành du lịch sau 2 năm dài đóng băng vì đại dịch COVID-19. Một trong những rào cản trong việc mở cửa lại du lịch đó là vấn đề cấp thị thực (visa) cho du khách nước ngoài.

Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), đa số người được hỏi thấy quy trình xin visa vào Việt Nam khó hơn so với Singapore, Thái Lan. Đây là “điểm nghẽn” mà Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút khách quốc tế.

Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam (1/2020), chính sách miễn thị thực được áp dụng cho khách mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông gồm 88 nước miễn thị thực song phương và 13 nước miễn đơn phương.

Do phần lớn khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông, vì vậy chính sách miễn thị thực của Việt Nam chỉ được tính là áp dụng cho 24 nước. Trong số đó, tính đến ngày 30/6/2021 thì có 5 nước (Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia) là các thị trường du lịch trọng điểm đã hết thời hạn miễn thị thực vào Việt Nam. Như vậy, nếu không gia hạn miễn thị thực cho 5 nước này thì hiện chỉ còn 19 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Điều này sẽ làm mất đi một lượng lớn khách quốc tế khi Việt Nam tái mở cửa.

Một số thị trường trọng điểm du lịch của Việt Nam đã hết hạn Visa.

Một số thị trường trọng điểm du lịch của Việt Nam đã hết hạn Visa.

Ngoài ra, đến ngày 30/12/2022, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và một số nước Bắc Âu cũng sẽ hết thời hạn miễn thị thực vào Việt Nam. Trong số các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam thì vẫn còn một số nước và vùng lãnh thổ vừa không được áp dụng chính sách miễn thị thực, vừa không được áp dụng cấp thị thực điện tử như Đài Loan, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine...

Cho đến hiện tại, trang web đăng kí thị thực điện tử của Việt Nam vẫn đang tạm dừng phục vụ với thông báo "Tạm thời ngừng cấp e-Visa cho người nước ngoài đến từ hoặc đi qua các khu vực mà Covid-19 đang lan rộng".

Cải thiện VISA để phát triển du lịch.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã khẳng định chính sách thuận lợi cho thị thực nhập cảnh làm tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 5-25% mỗi năm. Đặc biệt, chính sách miễn thị thực làm tăng 16% nhu cầu đi lại, tăng số việc làm trực tiếp trong ngành du lịch thêm 1,6%-3,1%.

Nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đường dài của khách du lịch Anh, Pháp, Đức thường trên 15 ngày tại một quốc gia điểm đến. Chi tiêu của khách du lịch Tây Âu tại Việt Nam là khoảng 1.200-1.400 USD so với mức chi tiêu của khách du lịch các thị trường gần (700 - 1.000 USD).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu không chỉ đón được 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022 mà còn đạt được và vượt chỉ tiêu đặt ra năm vào năm 2025, TAB đã đưa ra một số đề xuất như gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho 5 nước đã hết hạn visa đồng thời kéo dài thời hạn lưu trú của công dân các nước này từ 15 đến 30 ngày; Cục xuất nhập cảnh cần mở lại trang web xuất nhập cảnh trước ngày 15/3 để du khách có thể đăng kí thị thực điện tử ngay.

Đồng thời, mở rộng danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng với du lịch Việt Nam và gia hạn 3 năm với các nước sẽ hết hạn thị thực vào cuối năm nay.

Chiều 17/2, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chia sẻ thông tin với báo chí về chính sách thị thực với du khách nước ngoài vào Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Về cơ bản, các thủ tục, đối tượng cấp thị thực sẽ được tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Việt Nam như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam".

Chia sẻ thêm về tình hình các quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Tính đến ngày 16/2, có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philipinnes, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ".

Việt Nam hiện đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mẫu này đã được Bộ Ngoại giao các nước và vùng lãnh thổ, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thông báo chính thức với Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp