Moody's: Hưởng lợi từ dòng vốn chuyển hướng, Việt Nam có thể tăng trưởng 8,5%

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
19:54 - 18/08/2022
Moody's: Hưởng lợi từ dòng vốn chuyển hướng, Việt Nam có thể tăng trưởng 8,5%
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp tăng trưởng xuất khẩu khiêm tốn trong tháng 7, Việt Nam vẫn được Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics dự báo tăng trưởng có thể tăng đến 8,5% năm 2022, nhờ việc sẽ hưởng lợi dòng vốn chuyển hướng từ Trung Quốc.

Trong báo cáo mới đây, Moody's Analytics đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh dự phóng tăng.

Theo các chuyên gia Moody's, kinh tế Việt Nam tái mở cửa có phần hơi chậm chạp từ đầu năm, nhưng hiện đã tăng tốc, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Nền kinh tế còn được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào.

“Sự không chắc chắn của các chính sách ở Trung Quốc sẽ hướng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác,” Moody's dự báo.

Trong khi đó, ông Tang Jie - giáo sư kinh tế, cựu phó thị trường thành phố Thẩm Quyến của Trung Quốc cũng cho rằng, các ngành công nghiệp sẽ dịch chuyển sang Đông Nam Á khi khoảng cách phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng gia tăng.

"Thu nhập bình quân của Việt Nam bằng khoảng 1/10 của Trung Quốc, vì vậy sự dịch chuyển là không thể tránh khỏi, giống như các ngành công nghiệp ồ ạt xuất hiện trong quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc trước đây", ông Tang nhận định.

Ông cho biết ngoài Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng là những điểm đến phổ biến của làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc nhờ nguồn lao động giá rẻ.

Tương tự, tại báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam “Cái nhìn cận cảnh về FDI và giao thương” mới đây, các chuyên gia HSBC cũng nhận định, Việt Nam đang được hưởng lợi từ Chiến lược “Trung Quốc + 1” của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc.

"Từ lâu chúng tôi đã lập luận rằng, các nước Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam và Indonesia nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của các công ty sản xuất cần sử dụng nhiều lao động như là sự đa dạng hóa đầu tư. Các thị trường này hấp dẫn không chỉ bởi chi phí lao động nhưng còn ở tiềm năng tăng trưởng của họ", báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC lưu ý rằng, FDI chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển dựa trên tính hiệu quả nó, không phải nguồn vốn FDI nào cũng như nhau. Nhìn lại các phân tích về lượng các tác động của FDI lên sự phát triển cho thấy FDI sản xuất, đặc biệt là là các ngành tuyển dụng nhiều lao động địa phương, là nguồn vốn đem lại nhiều lợi ích nhất. Quốc gia chủ nhà có thể sẽ không tạo được cú hích dài hạn nếu họ chỉ tìm cách thu hút FDI mà bỏ qua việc cân nhắc lợi ích của nó với nền kinh tế địa phương.

Do đó, theo HSBC, Việt Nam, ở một chừng mực nào đó, đang ở ngã tư đường. Xuất khẩu của Việt Nam đang dần chiếm thị phần trên thị trường quốc tế nhờ vào các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Các bước tiếp theo Việt Nam cần là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tự do thương mại quốc tế thông qua các hiệp ước như hiệp ước giao thương tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương (TPP).

Ngoài ra, cần cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, giảm sự thiếu hụt lao động lành nghề và tăng khả năng quản lý chuỗi cung ứng và liên kết với các công ty nước ngoài.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của một số tổ chức thế giới

Tại ấn bản Bổ sung Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố ngày 21/7, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như đã từng được công bố trong ADO tháng 4 năm 2022.

Theo ADB, tăng trưởng Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát của ADB là không thay đổi so với dự báo tổ chức này từng đưa ra hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

Ngân hàng HSBC cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây, đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%. Theo HSBC, sản xuất, tiêu dùng nội địa phục hồi là điểm sáng giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khi đó, tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng", Ngân hàng thế giới (World Bank) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng tới 7,5% trong cả năm 2022. Mức dự báo tăng trưởng này bỏ xa mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ đề ra.

Theo World Bank này, việc người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng là những yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp