Một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất Philippines sắp phun trào

Núi lửa Philippines
19:20 - 09/06/2023
Núi lửa Mayon tại đảo Luzon, Philippines thể hiện các dấu hiệu sắp phun trào. Ảnh: AP
Núi lửa Mayon tại đảo Luzon, Philippines thể hiện các dấu hiệu sắp phun trào. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/6, Philippines sơ tán người dân sống gần núi lửa Mayon – một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất của quốc gia này – do có nhiều dấu hiệu cho thấy một vụ phun trào sắp diễn ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

Núi lửa Mayon là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 20 ngọn núi lửa trên khắp Philippines. Nằm tại tỉnh Albay trên đảo Luzon, ngọn núi lửa này đang ghi nhận nhiều dấu hiệu địa chất trong những ngày gần đây. Ngày 8/6, các nhà chức trách địa phương đã bắt đầu nâng mức cảnh báo lên mức 3 trong thang đo 5 cấp độ sau khi phát hiện số lượng lớn đá lở và ít nhất 2 trận động đất núi lửa.

Tới ngày 9/6, viện nghiên cứu núi lửa của chính phủ Philippines tiếp tục phát hiện 6 đợt phun trào tro và khí xuống các rãnh phía nam, cách miệng núi lửa Mayon 2km. Tất cả những dấu hiệu này thể hiện một đợt phun trào nguy hiểm sắp xảy ra. Trong một nhận định về những diễn biến này, viện nghiên cứu cũng cho biết núi lửa Mayon đang ở trong “tình trạng bất ổn tương đối cao vì magma ở miệng núi lửa”, đồng thời đưa ra dự đoán “vụ phun trào có thể xảy ra trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài ngày tới”.

Theo hãng tin AP, khu vực trong bán kính 6km tính từ miệng núi lửa Mayon vốn là vùng bị cấm do nhiều yếu tố gây nguy hiểm như khí thải núi lửa, dòng dung nham, đá lở và các mối nguy hiểm khác. Tuy nhiên trong những năm qua, nhiều người dân đã xây nhà và trang trại tại các khu vực nguy hiểm này, khiến công tác sơ tán trở nên phức tạp khi núi lửa Mayon đang có dấu hiệu sắp phun trào.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định việc sơ tán cư dân khỏi khu vực nguy hiểm thường trực đang được tiến hành. Đồng thời, ông hứa sẽ cung cấp viện trợ cho những người phải sơ tán cho đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Tuy nhiên, ông không cho biết số người cụ thể được sơ tán.

Trả lời các phóng viên ngày 9/6, ông Marcos cho biết: “Ngay bây giờ, những gì chúng tôi đang làm là chuẩn bị và di chuyển mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm”. Ông hy vọng việc núi lửa phun trào sẽ không xảy ra, tuy nhiên theo quan sát của các nhà khoa học, phần dung nham trên miệng núi lửa đang bắt đầu dâng cao.

Ngoài núi lửa Mayon, các quan chức Philippines cũng đang theo dõi chặt chẽ núi lửa Taal ở phía nam Manila và núi lửa Kanlaon trên đảo Negros ở miền trung đất nước do sự xuất hiện của những dấu hiệu bất ổn mới.

Trước mắt, một số ngôi làng ở 3 thị trấn gần Taal đã tạm dừng các lớp học từ ngày 7/6 do sương mù dày đặc phát ra từ núi lửa. Người dân nơi này cũng được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Philippines nằm dọc theo “vành đai lửa” Thái Bình Dương – một khu vực xung quanh vành đai đại dương nơi các mảng kiến tạo gặp nhau. Do đó, khu vực này dễ xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Trước đây vào năm 1991, ngọn núi lửa Pinatubo đã không hoạt động trong nhiều năm đột ngột phun trào, đánh dấu vụ phun trào núi lửa lớn nhất của thế kỷ 20 và khiến hàng trăm người dân nước này thiệt mạng.

Đọc tiếp