Mục tiêu kinh tế số của Việt Nam chiếm 20% GDP là một thách thức

VINASA CHUYỂN ĐỔI SỐ
12:34 - 25/05/2022
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Vinasa phát biểu khai mạc. Ảnh: Sơn Quách
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Vinasa phát biểu khai mạc. Ảnh: Sơn Quách
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khoa - chủ tịch Vinasa, đây là một thách thức không nhỏ.

Sáng nay (25/5), Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Hợp lực Chuyển đổi số”. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp cùng nhiều Bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước.

Cần sự hợp lực của toàn xã hội

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - chủ tịch Vinasa cho biết: "Năm 2019, kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số Internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nắm bắt xu thế này, một số nước nhận ra cơ hội đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số như Anh, Canada, Australia, Nigeria, Kenya, Singapore, Thái Lan...

Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong top đầu khu vực ASEAN về tốc độ phát triển. Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015. Dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, và dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29% một năm đến năm 2025.

Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn. Năm 2021, ước tính kinh tế số Internet/nền tảng của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 27/QĐ-UBCĐSQG, ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 với những mục tiêu cụ thể của năm.

Về Chính phủ số: 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, 50% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục, 50% báo cáo của cơ quan hành chính thực hiện trực tuyến.

Về kinh tế số và xã hội số: 30% SMEs sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, 50% dùng hợp đồng điện tử, thương mại điện tử chiếm 7% tổng mức bán lẻ… Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số Quốc Gia cũng đã giao nhiệm vụ chi tiết cho các Bộ, Ngành.

Theo đánh giá của ông Khoa, mục tiêu trên là một thách thức, cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu mà còn bị phân mảnh. Việc hợp lực giữa bộ ngành với bộ ngành, địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain…, và đang nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, Việt Nam tiếp cận chuyển đổi số quốc gia khá sớm. Từ 2019, Việt Nam đã chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sau đó, năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số; năm 2021 bắt đầu triển khai, trải nghiệp về chuyển đổi số và năm 2022 đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên thế giới mới có khoảng 14 nước (7%) ban hành chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Trọng Đường.

Ông Nguyễn Trọng Đường.

Theo ông Đường, phát triển kinh tế số và xã hội số gồm 9 yếu tố nền móng là Thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, an toàn an ninh mạng, nhân lực số, kỹ năng số, doanh nghiệp số, thanh toán số. Với 7 ngành, lĩnh vực trọng điểm là Kinh tế số nông nghiệp, y tế số, giáo dục số, chuyển đổi số lao động - việc làm - an sinh xã hội, kinh tế số thương mại - công nghiệp - năng lượng, kinh tế số du lịch, kinh tế số tài nguyên môi trường.

Chuyển đổi số là thời kỳ "cá nhanh thắng cá chậm"

Với kinh nghiệm tư vấn, xây dựng và triển khai chuyển đổi số cho các địa phương, doanh nghiệp thời gian qua, ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT - IT cho biết, trong chuyển đổi số, nền tảng dữ liệu là vô cùng quan trọng, trong đó cơ quan nhà nước có vai trò đặc biết, giúp mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp. Từ đây, ông Bảo có 4 đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số:

Hoàn thiện môi trường pháp lý để chuyển sang sử dụng dữ liệu số, giao dịch số ở các lĩnh vực chuyên ngành (y tế, giáo dục, dịch vụ công, tài chính – kế toán…);

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia (đất đai), thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực quan trọng (giao thông, nông nghiệp, xây dựng, tư pháp, giáo dục…);

Chuẩn hoá, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn để kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, các quy định cụ thể về việc bắt buộc chia sẻ và mở dữ liệu;

Các Bộ, ngành địa phương cần xây dựng lộ trình cụ thể để từng bước hình thành nền tảng dữ liệu, kho dữ liệu, ứng dụng bài toán xử lý dữ liệu lớn.

Phương pháp luận và góc nhìn về chuyển đổi số của VNPT.

Phương pháp luận và góc nhìn về chuyển đổi số của VNPT.

Cũng là đơn vị tích cực tham gia triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp, địa phương thời gian qua, ông Lê Vũ Minh - Giám đốc khối tư vấn Chiến lược và Đổi mới sáng tạo FPT Digital cho rằng, chuyển đổi số là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.

Theo ông Minh, hiện tại là thời điểm thích hợp nhất để chuyển đổi số với nhiều yếu tố thuận lợi. Một là sự ủng hộ của Nhà nước khi Việt Nam đã có định hướng mạnh mẽ về chuyển đổi số với nhiều chương trình hành động ở cấp quốc gia.

Hai là sự sẵn sàng của thị trường với tỷ lệ dân số trưởng thành có kết nối internet chiếm hơn 70%; tổng doanh thu kinh tế số quý 1/2022 khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP.

Ba là sự sẵn sàng và phổ biến của công nghệ cho phép doanh nghiệp có thể vận dụng công nghệ nhanh chóng với giá thành phải chăng với nhiều hình thức và loại hình dịch vụ.

Với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số”, Vietnam - Asia DX Summit 2022 quy tụ hơn 150 diễn giả sẽ tập trung bàn bàn thảo tại 18 phiên hội nghị bao gồm 1 phiên khai mạc và 18 phiên chuyên đề, thiết kế theo 4 trục:

Chính phủ số: 3 phiên hợp lực chuyển đổi số cho Bộ ngành; hợp lực chuyển đổi số cho các địa phương và kinh nghiệm chuyển đổi số tại các quốc gia Châu Á.

Kinh tế số: 8 phiên dành cho 8 ngành trọng điểm ưu tiên chuyển đổi số bao gồm Tài chính – Ngân hàng; Giao thông vận tải – Logistics; Y tế; Giáo dục; Du lịch; Thương mại; Bất động sản; Nông nghiệp.

Doanh nghiệp số: Doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp sản xuất, nền tảng số - Cloud computing; nhân lực số, startup số và startup-Pitching.

Chuyển đổi số tại Châu Á: Với 2 phiên và chia sẻ thông tin của 11 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực về các chương trình, kinh nghiệm, điển hình thành công trong chuyển đổi số.

Bên cạnh các phiên hội nghị chính còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm Nền tảng giải pháp số và kết nối cung cầu chuyển đổi số (trực tiếp & trực tuyến). Các hoạt động của diễn đàn nhằm hướng đến mục đích: Chia sẻ tầm nhìn – Giới thiệu giải pháp – Kết nối cung cầu trong chuyển đổi số.

Tin liên quan

Đọc tiếp