Muốn cứu ngành mía đường cần có trọng tài 'biết chia đều'

Ngành đường Việt nAM
11:27 - 22/01/2022
Người nông dân luôn yếu thế trong chuỗi cung ứng ngành mía đường. Ảnh: Internet
Người nông dân luôn yếu thế trong chuỗi cung ứng ngành mía đường. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00

Những người trồng mía đang mong muốn Nhà nước sớm thành lập một cơ quan trung lập đóng vai trò như "trọng tài" phân chia công khai, minh bạch lợi nhuận giữa người nông dân và các nhà máy đường để có thể củng cố chuỗi liên kết, vực dậy ngành mía đường Việt Nam.

Ngành mía đường đang ngày càng suy giảm và bị đường nhập ngoại cạnh tranh do liên kết chuỗi cung ứng lỏng lẻo, người nông dân thiếu niềm tin vào các nhà máy đường bởi sự phân chia lợi nhuận mất cân đối trầm trọng. Đây là thực trạng đáng lo ngại được phản ánh trong hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam”, ngày 21/1.

Người trồng mía còn nhiều thiệt thòi

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Forest Trends cho thấy, ngành mía đường Việt Nam hiện đang giảm mạnh về quy mô. Diện tích trồng mía giảm từ hơn 274.000ha trong vụ 2016 - 2017 xuống còn gần 151.000ha hiện nay.

Số nông hộ tham gia trồng mía giảm từ 219.500 hộ xuống 126.000 hộ; số nhà máy giảm từ 38 xuống còn 29; sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 770.000 tấn trong cùng giai đoạn.

Nguồn cung không đủ cầu, đòi hỏi hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng đường lớn để bù lượng thiếu hụt. Lượng nhập ngày càng tăng: Năm 2020 lượng nhập tăng gần 340% so với 2019.

Suy giảm của ngành mía đường trong thời gian gần đây được cho là do năng lực cạnh tranh của ngành thấp, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định ATIGA từ năm 2019.

Theo đó các mức thuế nhập các mặt hàng đường giảm xuống còn 0-5%. Mức thuế còn không đáng kể, đã tạo cơ hội cho đường nhập khẩu giá rẻ, bao gồm cả đường nhập lậu, từ Thái Lan tràn vào Việt Nam. Sản xuất trong nước bị thu hẹp.

Thêm vào đó, chuỗi cung nội địa hiện tồn tại một số bất cập. Về khía cạnh chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi, cạnh tranh giữa các nhà máy, và đặc biệt trong liên kết giữa hộ trồng mía và nhà máy chế biến.

Lý giải nguyên nhân khiến ngành mía đường ngày càng suy giảm, đại diện nhóm nghiên cứu Forest Trends, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, xuất phát từ việc chia sẻ lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi cung ứng mất cân đối trầm trọng khi người nông dân trồng mía được hưởng lợi nhuận thấp nhất, không tương xứng với công sức bỏ ra.

"Việc xác định trữ lượng đường, đánh giá tỷ lệ tạp chất và quyết định giá thu mua hiện nay hoàn toàn thuộc về các nhà máy đường gây bất lợi cho người trồng mía. Dẫn đến hiệu quả lợi nhuận cây mía đang thấp hơn các cây tương đồng. Đồng thời việc áp thuế chống bán phá giá như con dao hai lưỡi, một mặt bảo vệ sản xuất đường trong nước, một mặt khiến các doanh nghiệp ỷ lại, chậm đổi mới, giá cao không cải thiện được khả năng cạnh tranh". ông Phúc nói thêm.

Chia sẻ những bức xúc của các hộ nông dân trồng mía, ông Hồ Thành Biên (Tây Ninh) cho biết, trong năm qua, năng suất mía tụt giảm, dịch bệnh làm giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng phi mã nhưng lợi nhuận tăng không đáng kể, đặc biệt là các nhà máy chưa chia sẻ lợi nhuận này hợp lý cho người nông dân trồng mía.

Ảnh tác giả

“Khi thuế phòng vệ được áp các nhà máy đường được hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng ngành mía đường, người nông dân làm ra rất nhiều sản phẩm cho ngành nhưng lợi nhuận rất bèo bọt và luôn ở thế yếu so với các nhà máy đường. Nếu các cơ quan chính quyền không sớm vào cuộc ngành mía đường sẽ thụt lùi”.

Ông Hồ Thành Biên, hộ nông dân trồng mía ở Tây Ninh

“Nhiều nhà máy đường thu mua chưa đến 1 triệu đồng/tấn mía là hết sức khó hiểu. Người nông dân luôn bị thiệt thòi, họ không biết lợi nhuận thực sự được bao nhiêu bởi các nhà máy đường không minh bạch công khai điều này. Các nhà máy đường không hề thực hiện hiệp thương với nông dân về giá. Khó khăn nhất hiện nay của người nông dân sản xuất mía là họ không được biết giá trị thực sản phẩm làm ra”, ông Biên bày tỏ sự bức xúc.

Theo ông Biên, Nhà nước cần sớm ban hành luật mía đường về giá thu mua, phân chia công khai, minh bạch theo quy chuẩn để bảo vệ quyền lợi người nông dân. Thành lập một cơ quan trung lập đóng vai trò “trọng tài” trong việc kiểm tra trữ lượng đường và khẳng định người nông dân sẵn sàng bỏ chi phí để thực hiện khâu này.

“Đây là nguồn căn cốt lõi để nông dân tin tưởng vào nhà máy đường, để ngành mía đường tiếp tục tồn tại và phát triển cần hai yếu tố là đo trữ lượng đường minh bạch và phân chia lợi nhuận công bằng, do đó mong nhận được sự quan tâm của Chính quyền, Nhà nước và sự chia sẻ lợi nhuận công bằng của các nhà máy đường”, ông Biên đưa ra đề xuất.

Để ngành mía đường có thể hội nhập và cạnh tranh

Cho rằng vấn đề thể chế và chính sách là mấu chốt của ngành mía đường, ông Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường chia sẻ,đường không phải sản phẩm xuất khẩu nên đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ không nhiều. Việc nâng chất lượng giống sản xuất có chữ đường cao sẽ đem lại lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân nhưng điểm nghẽn ở đây nhiều năm chưa giải quyết được.

“Khi nông dân không nhìn được lợi ích từ việc nâng cao chất lượng giống, không có lòng tin vào các nhà máy đường thì Viện mía đường không thể chuyển giao công nghệ được. Ngành mía như một đội bóng bao gồm những cầu thủ giỏi nhưng nếu không có sự liên kết thì sẽ vẫn thua. Vấn đề này đã tồn tại lâu năm nhưng không biết ai sẽ đứng lên giải quyết, ai sẽ xây dựng được tổ hợp tác thống nhất chặt chẽ giữa nhà máy đường và các hộ nông dân sản xuất", ông Đương băn khoăn

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để ngành mía đường có thể hội nhập và cạnh tranh cần so sánh trực tiếp với Thái Lan và từ đó tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc Việt Nam có lợi thế thấp hơn nhiều so với nước khác.

Ông Anh cho biết, ngành đường Thái Lan được tổ chức với thể chế mạnh mẽ, Nhà nước có chính sách lớn cho nghiên cứu nguồn giống, khoa học công nghệ, cơ giới hóa. Còn về Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định mía đường là một ngành quan trọng không để tình trạng nhập khẩu nhiều hơn sản xuất.

Tuy nhiên, mặt chiến lược ngành mía đường cần xác định lại, cần đầu tư nhiều hơn khoa học công nghệ, thể chế chính sách công trong chuỗi.

Ảnh tác giả

“Thái Lan tổ chức nông dân vào các hiệp hội, HTX và có sự liên kết quy củ với các doanh nghiệp. Việt Nam cũng nên khuyến khích nông dân tham gia vào các HTX để có thể chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầy đủ chính sách, vốn. Không để như hiện trạng một số nơi nhà máy đường bỏ bê nông dân, không thu mua nên người trồng mía buộc phải bỏ đi làm thuê phi nông nghiệp nơi khác”.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cũng theo PGS.TS Đào Thế Anh, ngành mía đường cần minh bạch thông tin bằng ứng dụng công nghệ số, làm rõ tổng lợi nhuận từ đó cơ cấu phân chia hợp lý. Đầu tư ngành mía đường hiện nay chưa đủ, khoa học công nghệ phải đổi mới liên tục, cái này có thể nhìn sang bài học của Thái Lan và Trung Quốc.

Trên cơ sở phân tích thực trạng ngành mía đường và vị thế người trồng mía, nhóm nghiên cứu Forest Trends đưa ra 5 kiến nghị lớn để ngành có thể phát triển tăng cường khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Forest Trends đề xuất Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60- 70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.

Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

Một khía cạnh khác được Forest Trends đề cập đến là nâng cao sức cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cần có các cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy và trong hệ thống thương lái như hiện nay.

Ngành mía đường cần tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là đối với luồng cung nhập lậu. Luồng đường nhập lậu với quy mô lớn, trong thời gian dài và tồn tại cho đến nay cho thấy sự yếu kém của hệ thống quản lý, đặc biệt là cấp địa phương trong việc giải quyết tình trạng này.

Cuối cùng, Forest Trends nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành tổ chức đại diện hiệu quả cho người trồng mía. Người trồng mía có vai trò sống còn đối với ngành, bởi họ đảm nhận gần như toàn bộ khâu cung mía nguyên liệu.

Tin liên quan

Đọc tiếp