Mỹ ban hành khuôn khổ đầu tiên về quy định tiền mã hoá

tiền mã hoá MỸ
12:59 - 18/09/2022
Mỹ ban hành khuôn khổ đầu tiên về quy định tiền mã hoá
0:00 / 0:00
0:00
Theo CNBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ban hành khuôn khổ đầu tiên về quy định tiền mã hoá tại Mỹ. Động thái mới đã thu hút sự quan tâm của cả ngành công nghiệp tiền mã hoá nói chung và của các nhà đầu tư nói riêng trong loại tài sản mới này.

Bộ khung pháp lý về tiền mã hoá bao gồm phương hướng phát triển ngành dịch vụ tài chính để thực hiện các giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn và cách ngăn chặn gian lận trong tài sản kỹ thuật số.

Theo đó, bộ khung pháp lý sẽ tuân theo “Sắc lệnh về đảm bảo phát triển tài sản kỹ thuật số có trách nhiệm” do Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành vào tháng 3 vừa qua. Trong đó ông Biden kêu gọi các cơ quan liên bang kiểm tra rủi ro và lợi ích của tiền điện tử và đưa ra báo cáo chính thức về những phát hiện của họ.

Ngoài ra, bộ khung pháp lý sẽ được giao cho hai cơ quan gồm Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai (CFTC). Tuy nhiên, chưa có chỉ định cụ thể về hoạt động của cả hai cơ quan.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan chia sẻ rằng, các hướng dẫn mới được ban hành nhằm đánh dấu Mỹ là quốc gia đầu tiên trong việc quản lý hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số trong và ngoài nước. Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan khác sẽ hỗ trợ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục phân tích và thử nghiệm đồng tiền số quốc gia.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được yêu cầu đẩy nhanh việc nghiên cứu rủi ro, phát hành tiềm năng của đồng đô la kỹ thuật số và đưa ra các báo cáo chính thức về những phát hiện của họ. Đồng thời, FED sẽ là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng.

Phòng chống hành vi tài chính bất hợp pháp

Bộ khung pháp lý mới của Mỹ về tiền mã hóa chú trọng vào việc ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như trốn thuế và rửa tiền. Tổng thống Mỹ cũng xem xét thúc đẩy Quốc hội nâng mức tiền phạt đối với hành vi chuyển tiền trái phép và sửa đổi một số đạo luật liên bang liên quan đến tài sản số.

“Tổng thống sẽ xem xét có nên trình lên Quốc hội để sửa đổi Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA), Đạo luật Bảo vệ bí mật thương mại và Luật chống rửa tiền nhằm áp dụng lên những người cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số bao gồm các sàn giao dịch tài sản mã hoá và nền tảng NFT”, trích thông báo từ Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ hoàn thành việc đánh giá rủi ro trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) và NFT vào năm 2023. Các điều luật về tài chính phi tập trung sẽ được ban hành thêm.

Thúc đẩy triển khai CBDC

Khuôn khổ này cũng chỉ ra tiềm năng to lớn từ tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương Mỹ (CBDC).

Về phần CBDC, nó có thể tạo nên một hệ thống thanh toán hiệu quả hơn và thiết lập nền tảng cho sự đổi mới công nghệ. Hơn nữa, tạo điều kiện cho việc giao dịch xuyên biên giới nhanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.

CBDC có thể thúc đẩy sự bao trùm và công bằng về tài chính bằng cách tạo điều kiện tiếp cận cho nhiều người tiêu dùng. Vì vậy, chính quyền kêu gọi FED tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá CBDC đang diễn ra.

Bảo vệ sự ổn định tài chính

Khuôn khổ cũng đề cập đến các đồng stablecoin (đồng tiền ổn định) hiện nay trên thị trường. Chính quyền Mỹ trong nhiều năm đã cảnh báo sự gia tăng của stablecoin, một tập hợp con cụ thể của tiền điện tử có giá trị được gắn với tài sản trong thế giới thực, chẳng hạn như tiền định danh như USD hoặc một loại hàng hóa như vàng.

Hậu quả mà các stablecoin để lại có thể tạo nên những khủng hoảng nếu không được quản lý nghiêm ngặt.

Tháng 5 năm nay, sự sụp đổ của TerraUSD, một trong những dự án stablecoin được chốt bằng USD phổ biến nhất, khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng chục tỷ USD khi họ rút tiền ra trong một sự hoảng loạn mà một số người cho rằng đó giống như việc ngân hàng bị phá sản. Theo Nhà Trắng, sự sụp đổ của dự án stablecoin này đã dẫn đến một loạt các vụ vỡ nợ, xóa sổ tài sản gần 600 tỷ USD.

Do đó, chính quyền Mỹ cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ làm việc với các tổ chức tài chính để tăng cường giảm thiểu các lỗ hổng mạng bằng cách chia sẻ thông tin và quảng bá một loạt các bộ dữ liệu và công cụ phân tích, cũng như hợp tác với các cơ quan khác để xác định, phân tích các rủi ro chiến lược mới nổi có liên quan đến thị trường tài sản kỹ thuật số.

Đọc tiếp

Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.