Mỹ có thể mất 2.000 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu

NGÂN SÁCH MỸ
11:38 - 04/04/2022
Cháy rừng tại California năm 2021. Ảnh: Reuters
Cháy rừng tại California năm 2021. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của Nhà Trắng, các loại thiên tai như lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến ngân sách liên bang của Mỹ gặp thiệt hại nghiêm trọng vào cuối thế kỷ này.

Đánh giá của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) do Tổng thống Joe Biden giao nhiệm vụ vào tháng 5/2021 cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngân sách quốc gia này. Cụ thể, vào cuối thế kỷ 21, Mỹ có thể bị mất tổng cộng 7,1% doanh thu hàng năm - tương đương với 2.000 tỷ USD tính theo tỷ giá đồng USD hiện nay.

OMB bổ sung thêm cháy rừng gia tăng có thể làm phí dập hỏa hoạn của liên bang nhảy vọt từ 1,55 tỷ USD lên mức 9,6 tỷ USD hàng năm. Sẽ có gần 12.200 tòa nhà và công trình liên bang nằm trong diện bị ngập lụt khi nước biển dâng. Chi phí để thay thế các cơ sở này cũng không hề thân thiện khi rơi vào mức gần 44 tỷ USD.

Bà Candace Vahlsing, quan chức khoa học và khí hậu tại OMB và ông Danny Yagan, nhà kinh tế cấp cao chia sẻ với Reuters: "Biến đổi khí hậu đe dọa tới các cộng đồng và các lĩnh vực kinh tế của nước Mỹ. Các loại thiên tai bao gồm lũ lụt, hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng và bão sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và cuộc sống của những người Mỹ hàng ngày".

Thêm vào đó, các chuyên gia này cũng cảnh báo rằng các thiệt hại trong tương lai hoàn toàn có khả năng gây ra ảnh hưởng ngay từ hiện tại. Nếu lượng phát thải khí nhà kính không được cắt giảm, các sự kiện như lũ lụt, thất thu mùa màng và cháy rừng sẽ còn xảy ra với tần suất cao hơn nữa. Chính phủ do đó sẽ phải chi từ 25 tỷ USD tới 128 tỷ USD mỗi năm cho các khoản cứu trợ thảm họa, bảo hiểm y tế cho người dân và bảo vệ hệ sinh thái rừng cũng như các cơ sở vật chất.

Một ví dụ gần nhất có thể kể tới là đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán kéo dài tại miền Tây nước Mỹ năm 2021. Những sự kiện này đã gây ra 2 trận cháy rừng lớn tại California và Oregon, tạo nên một trong những đợt cháy rừng lớn nhất trong lịch sử của cả hai bang. Hơn nữa, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia vào tháng 3 cũng dự đoán đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài tại các khu vực phía Tây nước Mỹ từ giữa năm 2020 có thể sẽ còn trở nên trầm trọng hơn vào mùa xuân năm nay.

Trong khi đó, các căn cứ quân sự của Mỹ, bao gồm Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska và căn cứ Không quân Tyndall ở Florida, đã bị thiệt hại hàng tỷ USD trong những năm gần đây do lũ lụt và bão.

Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường ngày càng cấp bách, chính phủ Tổng thống Joe Biden lại bị buộc phải hỗ trợ hoạt động khoan dầu trong nước và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng dần leo thang. Giá dầu và khí đốt trên khắp thế giới tăng mạnh sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine do lo ngại về nguồn cung.

Lạm phát năng lượng được thúc đẩy bởi căng thẳng Nga - Ukraine đã khiến dự luật “Build Back Better” – dự luật nhằm cung cấp hàng trăm tỷ USD cho công tác chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ năng lượng sạch – bị đình trệ tại Thượng viện.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.