Mỹ gửi thêm gói viện trợ quân sự 400 triệu USD cho Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
13:12 - 11/11/2022
Hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger. Ảnh: Samuel King
Hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger. Ảnh: Samuel King
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 10/11, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ sẽ gửi thêm 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại đảng Cộng hòa thắng thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ khiến hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Ukraine sụt giảm.

Military Times trích dẫn thông báo Lầu Năm góc cho biết gói viện trợ này sẽ bao gồm một lượng lớn đạn dược và hỗ trợ phòng không, trải rộng từ tên lửa Stinger cho hệ thống Avenger, tên lửa cho hệ thống phòng không Hawk cho tới 10.000 viên đạn cối, hàng nghìn viên đạn pháo, 400 súng phóng lựu, 100 xe vận chuyển Humvee, nhiều thiết bị chống rét và 20 triệu viên đạn cho súng cá nhân.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này chính là gói viện trợ lần đầu tiên đi kèm với hệ thống phòng không Avenger cơ động cao.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 10/11, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, việc tăng cường khả năng phòng không sẽ rất quan trọng đối với Ukraine trong bối cảnh Nga tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình và UAV để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cũng nhận định, việc bổ sung hệ thống Avenger tầm ngắn mới sẽ giúp Ukraine bảo vệ quân đội của mình trước UAV, tên lửa hành trình và các cuộc tấn công từ trực thăng. Tuy nhiên, bà cho biết thời điểm gói viện trợ này tới chiến trường Ukraine vẫn chưa được xác định.

Gói tài trợ này từ chính phủ Mỹ tới trong thời điểm mà Ukraine đang rất cần hỗ trợ khí tài quân sự để chống lại các đợt tấn công của quân đội Nga, đặc biệt là các đợt không kích.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hỗ trợ phòng không ngày càng trở nên quan trọng nhằm tự vệ và đáp trả các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng điện và nước quan trọng. Cho đến hiện tại, Ukraine ghi nhận 40% các cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị hư hại, khiến tình hình càng thêm u ám trước thềm mùa đông.

Tuy nhiên, trên chính trường Mỹ đang xuất hiện một luồng tư tưởng khác ưu tiên nước Mỹ đầu tiên và kêu gọi cắt giảm hỗ trợ cũng như giám sát quá trình viện trợ chặt chẽ hơn. Nếu tính tổng cộng các khoản viện trợ từ lúc Nga khởi động chiến dịch quân sự ngày 24/2, Mỹ đã cam kết hơn 18,6 tỷ USD vũ khí và các thiết bị khác cho Ukraine.

Vào tháng trước, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã cảnh báo rằng đảng của ông sẽ không viết "séc trống" cho Ukraine nếu họ giành được đa số phiếu. Phản ứng của ông cũng là mối quan tâm của một số người về nhu cầu chi tiêu của Mỹ ở nước ngoài khi mà tỷ lệ lạm phát trong nước vẫn chưa hạ nhiệt.

Khi được hỏi về viễn cảnh tương lai, ông Singh cho rằng bất chấp kết quả bầu cử giữa kỳ có ra sao, Ukraine vẫn sẽ nhận thấy sự hỗ trợ từ Mỹ. Hôm 9/11 trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ sự lạc quan rằng các gói hỗ trợ Ukraine vẫn sẽ tiếp diễn ngay cả khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội.

Trong khi đó trên mặt trận Ukraine, quân đội Nga thông báo bắt đầu rút khỏi thành phố Kherson chủ chốt của Ukraine. Theo các quan chức Ukraine, việc Nga rút khỏi nơi này có thể giúp Kiev giành lại được phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, họ vẫn phải thận trọng do lo ngại sẽ bị quân đội Nga phục kích.

Đọc tiếp