Mỹ sẽ không áp lệnh cấm vận thứ cấp nhằm vào giá dầu Nga

DẦU THÔ NGA
17:45 - 26/09/2022
Nhiều chuyên gia và nhà phân tích hoài nghi tính khả thi của việc giới hạn giá dầu Nga. Ảnh: Reuters
Nhiều chuyên gia và nhà phân tích hoài nghi tính khả thi của việc giới hạn giá dầu Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bên lề Hội nghị thường niên về Dầu khí khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 (APPEC 2022), đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này sẽ không thực hiện các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga.

Theo Reuters đưa tin, các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vào tuần trước đã đưa ra đề xuất rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng quốc tế. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm tăng cường giới hạn giá để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga trong khi vẫn có thể giảm thiểu tác động đến thị trường và giá năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên theo bà Catherine Wolfram, Phó trợ lý thư ký phụ trách kinh tế năng lượng và khí hậu tại Bộ Tài chính Mỹ phát biểu bên lề hội nghị APPEC 2022, cơ quan này không cho rằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp là cần thiết. Nguyên nhân được bà đưa ra là do Mỹ có liên hệ với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ là một phần của liên minh và mỗi quốc gia do đó sẽ đưa ra một số biện pháp trừng phạt riêng.

Trước mắt, nhóm 7 nền kinh tế lớn (G7) kỳ vọng các công ty trong chuỗi cung ứng từ các nhà môi giới đến ngân hàng, công ty bảo hiểm và các hãng vận tải biển sẽ giám sát các giao dịch dầu của Nga và báo cáo các bất thường. Tuy nhiên, nhiều giám đốc nhà điều hành và nhà phân tích trong ngành lại đặt ra câu hỏi về tính khả thi của việc áp trần giá dầu từ Nga.

Trong bối cảnh đó, bà Wolfram cho biết các nhà chức trách sẽ công bố hướng dẫn đầy đủ về cách thực hiện giới hạn giá dầu của Nga trước khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với mặt hàng này có hiệu lực vào ngày 5/12. Việc định giá sẽ được tính toán cẩn thận dựa trên chi phí sản xuất và mức giá trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Mặt khác, bà bổ sung rằng giới hạn giá dầu chỉ áp dụng đối với dầu thô trong mọi giao dịch chứ không áp dụng lên các sản phẩm tinh chế được sản xuất từ dầu thô. Điều này có nghĩa là một khi dầu được biến đổi đáng kể, giới hạn giá sẽ không còn được áp dụng nữa. Hơn nữa, kể cả khi các thương nhân thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh các sản phẩm này, doanh thu cũng không về lại tay của Moscow.

Khi trả lời về khả năng các quốc gia lớn như Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào liên minh này một cách chính thức ở cấp độ chính phủ, bà Wolfram nhận định câu trả lời là không do nó sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của 2 nước này.

Tuy nhiên, bà cho biết một số công ty Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thấy lợi ích kinh tế khi tiếp tục sử dụng các dịch vụ thương mại được cung cấp bởi các nước G7 sau khi giới hạn giá được áp dụng.

Ngoài ra, bà cũng khẳng định chính phủ Mỹ đang liên hệ chặt chẽ với OPEC về vấn đề này. Đi đôi với việc OPEC vốn không đồng ý với việc một sự biến động lớn trong thị trường gây ra bởi sự biến mất của dầu Nga, chính phủ Mỹ nhấn mạnh việc giới hạn giá dầu sẽ chỉ áp dụng cho dầu thô từ Nga.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.