Mỹ tái khẳng định sẽ không đưa quân tham chiến tại Ukraine

chiến sự Nga – Ukraine
08:12 - 03/05/2022
Phi công Mỹ đang đẩy lô đạn pháo viện trợ cho Ukraine lên máy bay vận tải quân sự C-17, ngày 29/4. Ảnh: AP
Phi công Mỹ đang đẩy lô đạn pháo viện trợ cho Ukraine lên máy bay vận tải quân sự C-17, ngày 29/4. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2/5, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh rằng, Mỹ đồng ý với Nga về quan điểm "không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân".

"Nước Nga trong suốt thời gian qua đã nói rằng, không được tạo chiến tranh hạt nhân cũng như sẽ không có bên chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Và chúng tôi đồng ý với điều này”, TASS dẫn tuyên bố của bà Jen Psaki.

Bà đồng thời nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn gửi quân đội Mỹ đến Ukraine tham chiến. "Tôi xin lưu ý quan điểm của tổng thống, đó là nước Mỹ sẽ không đưa quân đội Mỹ vào thực địa để tham gia cuộc chiến này. Đây là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục tái khẳng định với người dân Mỹ”, bà nói thêm.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: EPA-EFE
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: EPA-EFE

Thư ký Báo chí Nhà Trắng cũng phủ nhận các ý kiến nói rằng tình hình xung quanh Ukraine hiện nay đã biến thành một cuộc xung đột gián tiếp giữa NATO và Nga. “Đây không phải là chiến tranh ủy nhiệm. Đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. NATO không liên quan và Mỹ cũng không tham gia cuộc chiến này”, bà nhấn mạnh.

Trước đó, giới chức Nga cảnh báo rằng các rủi ro hạt nhân không nên được đánh giá thấp, đồng thời tuyên bố vũ khí viện trợ sẽ trở thành các mục tiêu tấn công hợp pháp, trong bối cảnh phương Tây tiếp tục các gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trong buổi phỏng vấn với kênh Channel One của đài truyền hình nhà nước Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định những rủi ro hiện tại đã được tăng cao lên đáng kể. Ông bổ sung thêm rằng tuy không muốn nâng cao rủi ro dù có “nhiều người muốn như vậy”, nhưng thực tế các rủi ro đã trở nên nghiêm trọng tới mức Nga không thể coi thường chúng.

Lô đạn cỡ nòng 155 mm được Mỹ gửi tới Ukraine. Ảnh: AP

Lô đạn cỡ nòng 155 mm được Mỹ gửi tới Ukraine. Ảnh: AP

Cũng trong chương trình này, khi được hỏi về tầm quan trọng của việc tránh Thế chiến thứ 3, ông Lavrov so sánh sự kiện với Ukraine lần này với cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962. Ông cho biết Mỹ và các đồng minh đã không tôn trọng luật lệ quốc tế và tuy các quốc gia luôn nói rằng Thế chiến thứ 3 không được nổ ra, nhưng họ lại tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách viện trợ quân sự cho Ukraine, khiến cuộc chiến này ngày càng kéo dài.

Lực lượng Nga đã liên tục tấn công vào các nhà kho tập kết vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine, đồng thời cảnh báo, mọi lô vũ khí nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành "mục tiêu tấn công chính đáng" của Moscow.

Trong diễn biến liên quan, RT dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/5 cho biết, 80% lựu pháo M777 cùng với một nửa số đạn cỡ nòng 155 mm mà Tổng thống Joe Biden cam kết cung cấp cho Kiev hồi tháng trước đã được chuyển giao. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp gần như toàn bộ radar phòng không, chống pháo kích, và 5.000 tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ chưa bàn giao chiếc máy bay trực thăng nào cho Ukraine.

Kể từ ngày 24/2, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự gần 15 tỷ USD cho Kiev, cao hơn gấp đôi toàn bộ ngân sách quân sự của Ukraine cho năm 2021. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép Nhà Trắng gửi gần như không giới hạn số lượng và chủng loại vũ khí và đạn dược tới Ukraine. Nếu dự luật này được phê duyệt, nó sẽ hồi sinh lại cơ chế mà Washington đã sử dụng hồi Thế chiến II để gửi vũ khí cho các bên tham chiến trong khi vẫn chính thức giữ vị thế trung lập.

Tin liên quan

Đọc tiếp