Mỹ tuyên bố không có ý định hối thúc Ukraine đàm phán với Nga

đàm phán Nga - Ukraine
16:20 - 09/11/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: FT
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: FT
0:00 / 0:00
0:00
Ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách cho biết Washington không có ý định hối thúc Ukraine tham gia đàm phán với Nga khi chính quyền Kiev chưa sẵn sàng.

"Quan điểm của chúng tôi không phải là hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán khi họ chưa sẵn sàng, mà là đặt họ vào một vị thế sao cho khi nào và nếu họ sẵn sàng đàm phán, họ sẽ đàm phán từ thế mạnh", ông Colin Kahl tuyên bố hôm 9/11, theo TASS.

Trả lời câu hỏi liệu các hoạt động tác chiến chững lại vào mùa đông có thể tạo thêm cơ hội cho Nga và Ukraine trong việc tập hợp lại lực lượng cũng như tham gia đàm phán ngoại giao hay không, quan chức Lầu Năm Góc cho biết: "Tôi không nghĩ 2 kịch bản đó tách rời nhau. Tôi cho rằng đó sẽ là sự kết hợp của cả 2 kịch bản".

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl. Ảnh: PACOM

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl. Ảnh: PACOM

Ông Kahl cho biết, tình hình thời tiết xấu đi vào mùa đông sẽ khiến các cuộc "tấn công quy mô lớn" khó xảy ra hơn, do đó các cuộc giao tranh ở Ukraine có thể sẽ chững lại. “Điều này cũng liên quan đến các cơ hội đàm phán ngoại giao. Nga và Ukraine cuối cùng sẽ ra đưa ra quyết định”.

Trong khi đó, tờ Washington Post hôm 5/11 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang khuyến khích các lãnh đạo Ukraine mở cửa đàm phán với Nga. Các quan chức Mỹ trong nguồn tin nhận định, sắc lệnh không đàm phán với Nga của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gây lo ngại ở châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ, những nơi bị ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thực phẩm, nhiên liệu do tác động của chiến sự.

Nguồn tin giấu tên cũng cho biết, đề xuất của phía Mỹ không phải để thôi thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, mà là một nỗ lực có tính toán nhằm bảo đảm Kiev duy trì sự ủng hộ của các quốc gia khác khi dư luận ở những nước đó đang lo ngại cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm.

Bài viết cũng nói rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden có quan điểm phức tạp đối với Ukraine khi công khai viện trợ cho Ukraine “đến khi nào chiến sự kết thúc”, nhưng vẫn muốn kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 8 tháng, gây hậu quả nghiêm trọng lên kinh tế thế giới và nguy cơ châm ngòi chiến tranh hạt nhân.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ đồng ý với những đánh giá của Kiev rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện chưa sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, giới chức Ukraine cũng thừa nhận sắc lệnh bác bỏ đàm phán với ông Putin của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 10 đã gây ra lo ngại ở cả châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh.

Sắc lệnh trên được Kiev thông qua ngay sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga. Ukraine cũng nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ và sẽ giành lại tất cả các khu vực bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Trong khi đó, Nga nhiều lần khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine nếu Kiev sẵn sàng và thể hiện thiện chí. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cũng chỉ ra rằng các đàm phán không thể xảy ra vì Kiev đang áp dụng luật cấm đàm phán với Moscow.

"Đó là lựa chọn của họ. Chúng tôi luôn nói rằng Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy, việc bị gián đoạn không phải do lỗi của chúng tôi", ông nói thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.