Mỹ và châu Âu có nguy cơ dần cạn nguồn cung vũ khí cho Ukraine

chiến sự Nga- Ukraine
12:20 - 01/10/2022
Mỹ và châu Âu đang dần cạn kiệt nguồn cung vũ khí có thể gửi cho Ukraine. Ảnh: Getty Images
Mỹ và châu Âu đang dần cạn kiệt nguồn cung vũ khí có thể gửi cho Ukraine. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi tình hình đang leo thang do động thái sáp nhập các vùng lãnh thổ ly khai Ukraine vào Nga và việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO, nguồn cung vũ khí từ phương Tây hỗ trợ chính quyền Kiev lại được cảnh báo đang dần cạn kiệt.

CNBC cho biết hiện Mỹ vẫn là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine với các gói vũ khí trị giá 15,2 tỷ USD kể từ tháng 2 đến nay. Với các cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine cho tới chừng nào có thể, theo các chuyên gia Washington sẽ còn phải gửi nhiều vũ khí hơn nữa cho Kiev đối phó với Nga trong cuộc xung đột.

Trong khi đó, số lượng vũ khí được sử dụng trên chiến trường mỗi ngày lại vô cùng lớn. Ví dụ như tại Mỹ, mức sản xuất thông thường đối với đạn cho lựu pháo 155 mm - một loại vũ khí hạng nặng tầm xa - là khoảng 30.000 viên đạn mỗi năm trong thời bình. Tuy nhiên tại chiến trường Ukraine, tổng số đạn này có thể được dùng hết chỉ trong khoảng 2 tuần.

Về phía châu Âu, lượng vũ khí khu vực này có thể cung cấp cho Ukraine cũng đang ở mức thấp. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, giải thích: “Kho dự trữ quân sự của hầu hết các quốc gia thành viên NATO tại châu Âu đang dần cạn do chúng tôi đã cung cấp rất nhiều vũ khí cho Ukraine”.

Do đó, trong một cuộc phỏng vấn, ông Des Roches - một phó giáo sư và nhà quân sự cấp cao tại Đại học Quốc phòng Mỹ - đã bày tỏ sự lo lắng về khả năng nước này không thể cung cấp đủ vũ khí cho nhu cầu của Ukraine trên chiến trường.

Nhiều loại vũ khí quan trọng trên chiến trường Ukraine đang nằm trong diện hạn chế của Mỹ.

Nhiều loại vũ khí quan trọng trên chiến trường Ukraine đang nằm trong diện hạn chế của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt với các giám đốc vũ khí của liên minh hôm 27/9 để thảo luận về cách bổ sung kho vũ khí của các quốc gia thành viên. Các chuyên gia quân sự chỉ ra vấn đề gốc rễ ở đây nằm ở việc các quốc gia phương Tây đã và đang sản xuất vũ khí với số lượng ít hơn nhiều trong thời bình.

Nhằm cắt giảm chi phí, các chính phủ đã lựa chọn cắt giảm việc chế tạo vốn rất tốn kém và chỉ sản xuất vũ khí khi cần thiết. Trong khi đó, một số loại vũ khí sắp hết hạn sử dụng không còn được sản xuất nữa và đòi hỏi lao động có kỹ năng cao và kinh nghiệm để sản xuất.

Giải pháp được ông Stoltenberg đưa ra là các thành viên NATO cần tái đầu tư vào các cơ sở công nghiệp của họ trong lĩnh vực vũ khí. Khi trả lời tờ New York Times, ông tuyên bố: “Chúng tôi đang làm việc với ngành công nghiệp để tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược”. Đồng thời, ông cũng khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí mở rộng năng lực dài hạn bằng cách đặt thêm nhiều đơn đặt hàng hơn.

Ông Des Roches cũng khẳng định chính phủ cần đầu tư mạnh hơn vào sản xuất mới để có thể tăng cường sản lượng, đồng thời đặt nền tảng công nghiệp quốc phòng của mình trên cơ sở thời chiến. Tuy nhiên, tăng cường sản xuất quốc phòng không phải là một việc có thể thực hiện trong sớm chiều.

Lầu Năm Góc đã đặt hàng những khẩu tên lửa chống tăng vác vai Javelins mới trị giá hàng trăm triệu USD nhưng việc tăng tốc sản xuất cần có thời gian. Trong khi một số lĩnh vực có thể tăng tốc, nhiều nhà cung cấp cung cấp hóa chất và chip máy tính cho mỗi tên lửa lại không thể tăng tốc kịp với nhu cầu.

Thêm vào đó, việc thuê, kiểm tra và đào tạo người để xây dựng công nghệ cũng cần có thời gian. Theo các chuyên gia, những việc này có thể mất từ 1 đến 4 năm để thể hiện được sự khác biệt đáng kể.

Mỹ và châu Âu đang kêu gọi gia tăng sản lượng vũ khí, tuy nhiên việc này không thể thực hiện trong sớm chiều. Ảnh: AP

Mỹ và châu Âu đang kêu gọi gia tăng sản lượng vũ khí, tuy nhiên việc này không thể thực hiện trong sớm chiều. Ảnh: AP

Ảnh hưởng lên Ukraine

Bối cảnh trên có thể đẩy các lực lượng vũ trang Ukraine vào cảnh bị thiếu hụt các thiết bị chiến trường quan trọng nhất và phải thay thế bằng loại vũ khí cũ hơn và kém tối ưu hơn, như lựu pháo 105 mm, có trọng tải nhỏ hơn và tầm bắn ngắn hơn so với lựu pháo 155mm. Trong bối cảnh chiến sự hiện tại dựa chủ yếu vào tầm bắn thì điều này sẽ tạo ra nhiều bất lợi nghiêm trọng cho Kiev.

Để giải quyết tình trạng này, Ukraine có thể tìm kiếm các nhà cung cấp ở nơi khác như Hàn Quốc - quốc gia có năng lực sản xuất vũ khí tương đối phát triển. Gần đây nhất hồi tháng 8, Seoul đã ký một hợp đồng bán xe tăng và pháo hạng nặng trị giá 5,7 tỷ USD cho Ba Lan.

Ông Jack Watling, một chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London (Anh), cũng đồng ý rằng, Ukraine có thể tìm nguồn cung cấp đạn dược nhất định từ các quốc gia không có nhu cầu dùng ngay lập tức hoặc có kho dự trữ sắp hết hạn sử dụng.

Bằng cách này, các quốc gia có thể tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Kiev cũng sẽ cần phải thận trọng về tỷ lệ chi tiêu cũng như nơi ưu tiên sử dụng những loại vũ khí này bởi nguồn cung không phải là vô hạn.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.