Mỹ vẫn sẽ áp trần giá dầu Nga bất chấp khủng hoảng năng lượng

dầu mỏ MỸ
16:13 - 11/10/2022
Một giếng khoan dầu tại mỏ dầu Kern River, Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: Reuters
Một giếng khoan dầu tại mỏ dầu Kern River, Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp các ảnh hưởng lên giá dầu sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này và các đồng minh vẫn sẽ tiến tới các thỏa thuận nhằm áp trần giá dầu của Nga.

Với lý do suy thoái kinh tế cũng như đồng USD tăng giá, OPEC+ dẫn đầu bởi nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã quyết định cắt giảm sâu sản lượng mỗi ngày khoảng 2 triệu thùng để thích ứng với điều kiện thị trường. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với các kế hoạch của chính phủ Mỹ và Tổng thống Joe Biden thậm chí còn gọi động thái cắt giảm này của OPEC+ là “thiển cận”.

Ngay sau khi quyết định này được thông qua, giá dầu thế giới ngay lập tức tăng trở lại và nhiều chuyên gia dự đoán nó còn có thể tăng ngược lại mức 120 USD/thùng, gây khó khăn cho tiến trình đối phó với lạm phát của nhiều quốc gia.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ vẫn thảo luận với các bộ trưởng tài chính thế giới tại các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới về vấn đề giới hạn giá dầu đối với Nga. Sự kiện này sẽ diễn ra trong 1 tuần, bắt đầu từ 9/11 tại thủ đô Washington, Mỹ.

Việc thảo luận sẽ diễn ra trong bối cảnh giá dầu vốn trên đà tăng cao sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ hôm 5/10 và việc Nga đe dọa sẽ cắt giảm sản lượng bổ sung nếu giá dầu nước này bị giới hạn.

Theo CNBC, Bộ Tài chính Mỹ vẫn duy trì kế hoạch thúc đẩy việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga với lý do việc OPEC+ cắt giảm sản lượng không liên quan đến chiến lược của G7 nhằm làm suy giảm nguồn thu năng lượng của Nga. Mỹ cùng các đồng minh vẫn sẽ “tiếp tục tiến về phía trước”, hoàn thiện chính sách này và đảm bảo nó sẽ được đưa vào thực thi.

Trong bối cảnh này, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon hôm 9/10 đề xuất Mỹ nên đi trước trong việc bơm thêm dầu và khí đốt để giúp hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị tại London hôm đầu tuần, ông Dimon cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là “khá dễ đoán” do “sự phụ thuộc quá mức của châu Âu vào năng lượng của Nga”. Do đó, ông kêu gọi các đồng minh của phương Tây cần hỗ trợ Mỹ tích cực hơn nữa với vai trò đứng đầu về an ninh năng lượng quốc tế.

Cụ thể, ông cho rằng “Mỹ cần đóng vai trò lãnh đạo thực sự” và điều này đáng nhẽ phải được bắt đầu “ngay từ tháng 3”, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nếu được khởi động từ sớm, nó có thể giúp hạ nhiệt ảnh hưởng các lệnh cấm vận mà phương Tây áp lên Nga – nguyên nhân khiến tình hình năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu trở nên trầm trọng khi giá khí đốt tăng phi mã.

Với vai trò là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất tại Nga, châu Âu đã dựa vào nguồn cung của Nga để cung cấp tới 45% nhu cầu của mình.

Đọc tiếp